Hội thảo do Nhóm công tác về chống buôn lậu và khai thác gỗ bất hợp pháp (EGILAT) của APEC tổ chức ngày 18/8 tại Tp.Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 3 các quan chức cao cấp (SOM 3) thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN |
Theo số liệu thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), tổng giá trị xuất khẩu gỗ trên toàn cầu trong năm 2016 đạt 127 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2012; xuất khẩu đồ nội thất trên toàn cầu năm 2016 đạt 233 tỷ USD và tăng 10,8% so với năm 2012. Tổng giá trị nhập khẩu gỗ trên toàn cầu năm 2016 đạt 131 tỷ USD, tăng 4,2% so với năm 2012 và nhập khẩu đồ nội thất trên toàn cầu năm 2016 đạt 221 tỷ USD và tăng 12,8% so với năm 2012.
Riêng tại các nền kinh tế APEC, diện tích rừng đã chiếm khoảng 53% diện tích rừng thế giới, 60% tổng sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ của thế giới và 80% tổng thương mại gỗ và sản phẩm gỗ toàn cầu. Điều này cho thấy APEC đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quản lý rừng bền vững và thương mại gỗ hợp pháp trên toàn cầu.
Tuy vậy, thương mại gỗ bất hợp pháp đang là vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Các báo cáo cho thấy, thương mại gỗ bất hợp pháp trên toàn cầu ước tính chiếm từ 10-30%, với giá trị từ 100-300 tỷ USD/năm.
Bất chấp nỗ lực của các quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế trong khu vực APEC nhằm chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng gỗ. Đặc biệt là gỗ được khai thác từ rừng tự nhiên qua biên giới vẫn diễn ra với nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi.
Theo bà Jennifer Prescott thuộc Văn phòng Đại diện thương mại Hoa Kỳ, việc kiểm soát hoạt động kinh doanh các sản phẩm gỗ bất hợp pháp là rất quan trọng. Bởi hoạt động này sẽ dẫn đến hậu quả suy thoái rừng, mất đa dạng sinh học cũng như đe dọa tới sinh kế của nhiều người dân địa phương; đồng thời gây ra những hệ quả vô cùng nghiêm trọng về mặt xã hội, chính trị và kinh tế. Hiện thương mại gỗ bất hợp pháp đã phát triển hết sức tinh vi, đòi hỏi các nền kinh tế APEC cũng phải xây dựng các công cụ kiểm soát chặt chẽ hơn để giải quyết vấn đề.
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, là một nền kinh tế vừa có hoạt động nhập khẩu gỗ lại vừa xuất khẩu gỗ, trong thời gian qua, Việt Nam luôn chú trọng và tăng cường biện pháp để ngăn chặn thương mại gỗ bất hợp pháp vào Việt Nam. Việc kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi Lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với Liên minh Châu Âu vào tháng 5/2017 vừa qua đã minh chứng cho những nỗ lực, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt trong việc xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAT).
Theo ông Hà, một trong những biện pháp hữu hiệu mà Việt Nam thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng thương mại gỗ bất hợp pháp ngày càng tinh vi là đã chú trọng tăng cường hoạt động đấu tranh phòng chống buôn lậu của lực lượng hải quan. Trong những năm qua, Cơ quan Hải quan Việt Nam đã tăng cường quản lý hồ sơ gỗ nhập khẩu, thu thập thông tin về các doanh nghiệp đã có vi phạm trong quá trình kinh doanh gỗ, cập nhật vào hệ thống quản lý rủi ro để phân luồng kiểm soát; phân loại các đối tượng có nguy cơ rủi ro cao trong quá trình sản xuất, nhập khẩu gỗ để có biện pháp kiểm soát kịp thời.
Ngoài ra, ngành hải quan Việt Nam cũng chú trọng hoạt động hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin nghiệp vụ, thông tin tình báo hải quan phục vụ cho hoạt động điều tra, xác minh và phân tích trọng điểm trong công tác đấu tranh chống buôn lậu gỗ và động vật hoang dã.
Ông Đỗ Văn Bản, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cũng cho biết, gỗ là mặt hàng hết sức đặc thù với nhiều loài, chủng loại và tên gọi khác nhau giữa các quốc gia, các nền kinh tế. Do vậy, nghiệp vụ kiểm tra, xác minh đối với mặt hàng gỗ của cơ quan hải quan hiện nay vẫn còn hạn chế, chỉ đo và kiểm tra bằng mắt thường là chính chứ chưa phân biệt được chủng loại gỗ.
Hiện Việt Nam đang nỗ lực áp dụng công nghệ thông tin để lập bản tra cứu, lưu trữ hình ảnh gỗ nhằm hỗ trợ việc giám định gỗ. Công tác này đòi hỏi phải chính xác và nhanh sẽ giúp đảm bảo tính hợp pháp cũng như quyền lợi của doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC cũng đã tập trung vào việc chia sẻ những kinh nghiệm, biện pháp và công cụ giúp cán bộ hải quan phân biệt được chủng loại gỗ. Đồng thời, thảo luận các giải pháp về hợp tác quốc tế trong việc phòng chống thương mại gỗ bất hợp pháp trên toàn cầu cũng như trong khối APEC.