Từ chủ trương dồn điền đổi thửa, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, năm 2008, ông Lương Xuân Bắc ở xã Trực Hưng, huyện Trực Ninh, tập trung ruộng đất của gia đình, đồng thời mua lại diện tích ruộng trũng, khó canh tác tại khu vực cánh đồng Xóm 2 xây dựng trang trại rộng hơn 10.000m2.
Trên diện tích này, những năm đầu, gia đình ông Bắc chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò… nhưng không hiệu quả. Năm 2015, ông chuyển đổi nuôi gà đẻ trứng, song thiếu vốn xây dựng chuồng trại theo quy mô lớn, hiện đại. Thông qua Hội Nông dân, gia đình ông được vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cộng thêm nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng giúp ông có điều kiện đầu tư mở rộng chuồng trại, chuyển sang nuôi gà đẻ trứng giống D310 tiêu chuẩn an toàn sinh học của Viện chăn nuôi.
Ban đầu, gia đình ông Bắc nuôi 1.000 con gà, cho sản lượng trứng ổn định. Hiện, gia đình ông phát triển quy mô 3.000 gà đẻ trứng theo hướng hữu cơ. Hàng ngày, gia đình ông cung cấp từ 2.200 - 2.500 quả trứng cho một số trường học của tỉnh Thái Bình và các cửa hàng làm bánh trên địa bàn tỉnh. Mỗi năm, thu nhập của gia đình đạt từ 1,5-2 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng 650 triệu đồng.
Trong 5 năm, từ 2018 - 2023, hơn 2.000 hộ với 357 dự án được các cấp Hội Nông dân tỉnh Nam Định hỗ trợ vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, số tiền trên 35 tỷ đồng. Các cấp Hội Nông dân phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ trên 75.000 hộ dân vay trên 13.000 tỷ đồng.
Ngoài hỗ trợ vay vốn, công tác đào tạo nghề cho nông dân được các cấp Hội chú trọng. Hội tổ chức 54 lớp dạy nghề cho trên 1.690 lượt người; phối hợp tổ chức hơn 300 lớp cho trên 10.180 lượt người, tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt trên 85%.
Hội Nông dân các cấp tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho trên 7.500 lượt người. Các cấp Hội phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức trên 2.300 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 285.000 lượt hội viên nông dân...
Từ sự hỗ trợ của các cấp Hội, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được đẩy mạnh, từng bước thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của nông dân, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa. Thực tế tại các địa phương cho thấy, phương thức sản xuất có sự thay đổi từ kinh tế hộ nhỏ lẻ sang mô hình hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi, từ coi trọng số lượng sản phẩm sang chất lượng, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.
Nhờ cơ chế, chính sách phù hợp của địa phương, sự hỗ trợ, tiếp sức kịp thời của Quỹ Hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn vay ưu đãi khác giúp nông dân trên địa bàn tỉnh vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động, trở thành những tỷ phú làng quê.
Toàn tỉnh có trên 129.000 hộ dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Tiêu biểu gia đình ông Nguyễn Văn Thục ở Xóm 4, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, với mô hình chăn nuôi lợn, trồng trọt theo quy trình VietGAP, có cửa hàng giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản VietGAP và OCOP. Gia đình ông Triệu Đình Hợi ở Xóm 14, xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản, với mô hình chăn nuôi thỏ, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động, doanh thu 1 tỷ đồng mỗi năm...
Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định cho biết, trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu vay vốn của hội viên khá lớn bởi không ít nông dân có trình độ chuyên môn cao, có tầm nhìn, mong muốn được vay vốn đầu tư mô hình trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Với nguồn vốn hiện có từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục hỗ trợ hội viên trong phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn vốn vay, nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả sử dụng vốn thông qua đẩy mạnh hỗ trợ, chuyển giao, tập huấn khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số, hỗ trợ nông dân tiêu thụ tốt nông sản.
Hội tiếp tục vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân; phối hợp tốt với các ngân hàng giúp cho nông dân tiếp cận vốn vay ưu đãi; tăng trưởng dư nợ hàng năm, chất lượng tín dụng đảm bảo tốt. Các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn thay đổi tư duy và nâng cao kiến thức cho nông dân, người sản xuất nông nghiệp về chuyển đổi số; trong đó quan tâm ưu tiên mô hình sản xuất kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp.