Đó là nhận định của ông Jun Shirota, Trưởng đại diện Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries (MHI) tại Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN nhân dịp 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries là tập đoàn kỹ thuật và sản xuất hàng đầu thế giới đã đầu tư tại Việt Nam được hơn 20 năm.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong thu hút FDI 30 năm qua. Theo ông, đâu là yếu tố giúp Việt Nam đạt được những thành quả như vậy?
Trong thời gian qua, Việt Nam đã thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài, và chúng tôi (MHI) tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ vào những cải cách kinh tế, đi cùng với sự giàu có ngày càng tăng của người dân, cũng như lực lượng lao động trẻ trí thức và tài năng.
Chúng tôi tin rằng, có ba nhân tố then chốt giúp Việt Nam có thể đạt được nhiều thành tích trong thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy tăng trưởng, đó là:
Thứ nhất, Việt Nam có sự phát triển các khu công nghiệp một cách nhanh chóng: Hiện nay, các khu công nghiệp đang ngày được mở rộng hơn khi Việt Nam củng cố vị thế của mình là một trung tâm sản xuất toàn cầu có chi phí thấp. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được dự báo sẽ có mặt trong tốp 15 của bảng xếp hạng toàn cầu về năng lực cạnh tranh sản xuất vào năm 2020.
Thứ hai, Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng ngành hàng không. Khu vực châu Á được dự đoán sẽ chiếm hơn 50% số lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không trong 20 năm tới và Việt Nam đang nằm trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.
Thứ ba, Việt Nam có tiềm năng phát triển đô thị. Việt Nam, cùng với các quốc gia còn lại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đang đô thị hóa với tốc độ chưa từng có. Vì thế, điều quan trọng là phải đảm bảo quá trình đô thị hóa được thực hiện theo cách mà các thành phố của Việt Nam có thể thích nghi.
Giữa xu thế phát triển mạnh của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần làm gì để tận dụng những cơ hội mà các tiến bộ công nghệ mang lại nhằm thu hút đầu tư hơn nữa?
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trong khu vực có mức chi phí sản xuất thấp. Vì vậy, trong thời đại công nghiệp 4.0, Việt Nam cần tận dụng những thay đổi do tiến bộ công nghệ mang lại.
Cụ thể, Việt Nam cần đảm bảo lực lượng lao động có khả năng làm chủ công nghệ, ví dụ như công nghệ vận hành robot, Internet vạn vật, máy móc tự động, trí tuệ nhân tạo (AI) – những khái niệm mà giờ chúng ta gọi là “thế hệ công nhân mới”.
Theo tôi, điều cốt lõi là Việt Nam cần hướng tới việc cung cấp cho lực lượng lao động hiện tại cơ hội để họ xây dựng và nâng cao các kỹ năng, từ đó có thể làm chủ được những tiến bộ công nghệ mới.
Đối với tập đoàn MHI, chúng tôi tin vào giá trị của việc nâng cao năng lực cho người lao động. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện chương trình cung cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam du học tại Nhật Bản, theo một thỏa thuận đã ký kết với Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 9/2015.
Bên cạnh những suất học bổng, chương trình cũng tạo điều kiện để các học viên tìm hiểu về những công nghệ tiên tiến thông qua cơ hội thực tập tại các công ty của MHI; những chương trình thực tập này được thiết kế để sinh viên tận dụng lợi thế của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bên cạnh đó, chúng tôi chú trọng phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam từ năm 2009, cũng như cung cấp các khóa học về Kỹ thuật Hạt nhân và Hàng không tại một số trường đại học Việt Nam. Chúng tôi tin rằng sự hợp tác liên tục giữa những công ty tư nhân (như MHI) và chính phủ sẽ rất có lợi cho lực lượng lao động của Việt Nam.
Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang là khu vực chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế Việt Nam, là “chiếc xương sống” đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và xóa đói giảm nghèo… Tuy nhiên, khác với các doanh nghiệp FDI, các SME Việt Nam hiện vẫn đang loay hoay trong việc tiếp cận và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ông, đâu là giải pháp cho vấn đề này?
Giữa bối cảnh tiến trình đô thị hóa và công nghiệp hóa ở Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng, chúng tôi tin rằng cam kết của chính phủ đối với sự phát triển ngành công nghiệp sẽ giúp các ngành công nghiệp địa phương trở nên hiện đại và cạnh tranh hơn. Khi ngành công nghiệp tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp địa phương sẽ nhận thấy tầm quan trọng của việc cải thiện hoạt động và đảm bảo tính hiệu quả nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh.
Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các SME, có thể hưởng lợi rất lớn từ việc trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, vì điều này cho phép họ tiếp cận các thị trường lớn hơn và đạt được tăng trưởng bền vững.
Để làm được điều đó, yếu tố quan trọng là các SME phải phát triển được năng lực cạnh tranh của mình bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, họ cũng nên hướng tới việc phát triển các mối liên kết và quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với các công ty nước ngoài, bởi vì những công ty này có thể hỗ trợ họ trong việc tiếp cận thị trường bên ngoài Việt Nam.
Ông hãy chia sẻ về quá trình hoạt động của MHI trong thời gian qua cũng như những chiến lược phát triển sắp tới của tập đoàn?
Đối với MHI, việc thiết lập mối quan hệ đối tác lâu dài với các công ty Việt Nam cũng như mối quan hệ mạnh mẽ và lâu dài với Chính phủ Việt Nam là cốt lõi trong chiến lược kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn có cơ hội tiếp tục làm việc chặt chẽ với các đối tác Việt Nam, đồng thời tăng cường tìm hiểu về nhu cầu của họ để từ đó hỗ trợ quá trình phát triển.
Trong thời gian tới, MHI Việt Nam sẽ tập trung vào ba lĩnh vực then chốt. Đây là những lĩnh vực mà chúng tôi đánh giá có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, đó là: các khu công nghiệp, sân bay và phát triển đô thị.
Cụ thể, trong lĩnh vực công nghiệp, MHI sẽ cung cấp thiết bị có tính hiệu quả cao cho các công xưởng và hệ thống cơ sở hạ tầng. Một trong những sản phẩm mũi nhọn của hãng là hệ thống tiết kiệm năng lượng giúp xác định chi tiết lượng tiêu thụ điện, nhiệt, nước, qua đó giảm chi phí năng lượng và cải thiện hoạt động nhà máy.
MHI Group là nhà cung cấp dịch vụ chuyên chở theo tuyến tự động lớn nhất trên thế giới. Do đó, tại các sân bay của Việt Nam, chúng tôi hy vọng sẽ cho ra mắt một số dòng sản phẩm phù hợp với các đặc tính sân bay, ví dụ như hệ thống vận chuyển hành hành khách tự động.
Trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, MHI có nhiều Hệ thống giao thông thông minh có thể giúp cải thiện tình trạng tắc nghẽn và giảm thiểu tai nạn, khí thải. Bên cạnh đó là các giải pháp như hệ thống xử lý chất thải thành năng lượng, từ đó tạo ra điện thông qua quá trình đốt rác thải đô thị dạng rắn và hệ thống xử lý tro thông minh có thể chuyển đổi tro tạo ra từ quá trình đốt thành vật liệu xi măng dùng trong xây dựng.