Mục đích của việc ban hành hướng dẫn này nhằm khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách phù hợp với từng cấp độ phòng, chống dịch COVID-19; tạo điều kiện để vận chuyển hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an toàn, thống nhất giữa các tỉnh, thành phố, khu vực; kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải hành khách, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế.
Theo đó, mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng gồm: Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Cụ thể về hoạt động vận tải hành khách, tại các địa phương/vùng có nguy cơ rất cao (cấp 4): Dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng phương tiện giao thông công cộng (trừ xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử). Trường hợp phương tiện vận tải hành khách có hành trình bắt buộc phải đi qua thì không được dừng, đỗ.
Các cảng hàng không, ga đường sắt được hoạt động để tiếp nhận hành khách và phải đảm bảo các yêu cầu: Người làm việc tại cảng hàng không có tiếp xúc trực tiếp với tổ bay, hành khách; người làm việc tại ga, trung tâm, trạm vận tải đường sắt có tiếp xúc trực tiếp với lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu, hành khách phải tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần và phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh; không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Tại địa phương/vùng có nguy cơ cao (cấp 3): các phương tiện giao thông công cộng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải được hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất (chuyến/lượt hoặc số chỗ trên phương tiện).
Tại địa phương/vùng có nguy cơ thấp (cấp 1) và trung bình (cấp 2): các phương tiện giao thông được hoạt động bình thường.
Hành khách tham gia giao thông phải đáp ứng các yêu cầu sau: Đối với hành khách tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, tuyến từ bờ ra đảo tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế;
Đối với hành khách tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải hàng không, đường sắt, hàng hải (trừ tuyến từ bờ ra đảo) tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh. Không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Đối với đơn vị kinh doanh vận tải, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phương án xử lý khi có trường hợp mắc COVID-19 theo quy định; bố trí nhân viên hoặc bộ phận y tế để phối hợp y tế địa phương xử lý khi có trường hợp mắc COVID-19 tại nơi làm việc; chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của phương tiện, lái xe trong suốt quá trình vận chuyển; trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát thông qua thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải.
Bên cạnh đó, bảo đảm phương tiện, lái xe hoạt động theo đúng hành trình, đối tượng vận chuyển và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tổ chức vệ sinh, khử khuẩn phương tiện hàng ngày và sau mỗi chuyến đi; yêu cầu người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe chỉ dừng đỗ dọc đường (ăn uống, vệ sinh) đúng các địa điểm đã ghi trong Lệnh vận chuyển hoặc Hợp đồng vận chuyển hành khách.
Đối với lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, hướng dẫn yêu cầu phải tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh) khi có ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan.
Tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình (cấp 2) và nguy cơ cao (cấp 3) phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần);
Tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao (cấp 4): lái xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ (xe hợp đồng, xe du lịch sử dụng hợp đồng điện tử) phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh; bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại vị trí thuận tiện cho hành khách sử dụng; áp dụng các biện pháp thông gió tự nhiên phù hợp với từng loại hình phương tiện giao thông công cộng; yêu cầu hành khách đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển.
Cùng với đó, vệ sinh, khử khuẩn phương tiện hàng ngày và sau mỗi chuyến đi đối với các bề mặt tiếp xúc nhiều như: bề mặt vô lăng lái, tay nắm cửa, ghế ngồi, cửa sổ, sàn phương tiện... Chú ý đối với xe taxi và các phương tiện tương tự, lái xe, người phục vụ trên xe phải lau chùi tay nắm cửa, ghế ngồi của xe sau mỗi lần hành khách lên, xuống xe bằng dung dịch sát khuẩn nhanh.
Về phương tiện vận tải, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera trên xe theo quy định; đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19: phải được trang bị nước sát khuẩn, khẩu trang y tế và được vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi lần phục vụ.
Các bến xe khách cần xây dựng phương án đón, trả hành khách ra, vào bến xe theo đúng các quy định về phòng, chống dịch COVID-19; bố trí điểm khai báo y tế, quét mã QR; tổ chức điểm xét nghiệm bằng test kháng nguyên nhanh SARS-CoV-2; bố trí phòng hoặc khu vực cách ly tạm thời đảm bảo thông thoáng; bố trí khu vực bán vé, phòng chờ và nơi dừng, đỗ phương tiện để hành khách lên, xuống phương tiện bảo đảm giãn cách và các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế…
Về tần suất khai thác vận tải hành khách đường bộ bằng xe ô tô, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên thì Sở Giao thông vận tải tham mưu UBND theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải.
Đối với vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, Sở Giao thông vận tải 2 đầu tuyến tham mưu UBND cấp tỉnh cho phép hoạt động lại tuyến cố định liên tỉnh; trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 tại địa phương, Sở Giao thông vận tải địa phương hai đầu tuyến thống nhất áp dụng thực hiện tần suất khai thác đảm bảo theo nguyên tắc và hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải.
Về vận tải hàng không, hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải yêu các hãng hàng không thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ trên phương tiện (tổ bay) tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh) khi có ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan.
Tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình (cấp 2) và nguy cơ cao (cấp 3) phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần (7 ngày/lần); Tại địa phương/vùng có nguy cơ rất cao (cấp 4) phải được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh…
Về phương tiện vận tải, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 phải được trang bị dung dịch sát khuẩn tay, khẩu trang y tế và được vệ sinh, khử khuẩn sau mỗi chuyến bay.
“Cảng hàng không, sân bay phải xây dựng phương án, kế hoạch đón, trả hành khách ra vào cảng hàng không bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường và các quy định về phòng, chống dịch COVID-19…”, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu.
Về tần suất khai thác, Bộ Giao thông vận tải quy định: Giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng Hướng dẫn tạm thời này), tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay.
Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1), tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).
Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2), tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).
Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) được khai thác trở lại bình thường.
Trong thời gian thực hiện các giai đoạn 1, giai đoạn 2: các đường bay mới, đường bay có tần suất 01 chuyến/ngày của mỗi hãng hàng không thì được khai thác với tần suất 01 chuyến/ngày; thực hiện giãn cách ghế trên tàu bay trong giai đoạn 1.
Căn cứ tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương, trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có cảng hàng không, sân bay (nơi đi, nơi đến), Cục Hàng không Việt Nam quyết định điều chỉnh tần suất khai thác theo các giai đoạn trên…
Tại hướng dẫn này, Bộ Giao thông vận tải cũng quy định cụ thể quy trình vận tải của lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa và đường sắt.