Đề tài đã xây dựng được vùng nuôi và mô hình nuôi bảo tồn giống bò vàng tại huyện Tĩnh Gia, qua đó góp phần bảo vệ giống vật nuôi bản địa quý và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 253.804 con bò, trong đó giống bò vàng có hình dáng nhỏ hơn giống bò khác, sừng ngắn, bắp thịt nở nang, lông da vàng tươi... Khi trưởng thành, bò vàng có trọng lượng từ 160-250kg. Bò vàng còn có nhiều ưu điểm như mắn đẻ, kháng bệnh tốt, nhanh thích nghi với điều kiện khắc nghiệt, chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.
Ông Lê Trần Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi tỉnh Thanh Hóa cho biết, những năm gần đây, bò vàng đã giảm số lượng do nuôi nhốt nhiều. Những con bò vàng có tầm vóc lớn hay bị người dân bán hoặc giết thịt, những bò nhỏ, kém chất lượng được giữ lại cày kéo, làm giống.
Bên cạnh đó, người dân chăm sóc, nuôi dưỡng bò vàng chưa đúng yêu cầu kỹ thuật, do vậy chất lượng thịt chưa đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong khi đó, các chương trình cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn bò tại địa phương đang làm bò vàng mất dần đi. Do đó, việc thực hiện đề tài sẽ tạo ra được vùng nuôi giữ, bảo tồn nguồn gen bò vàng. Người chăn nuôi sẽ được hưởng lợi từ sản phẩm, hạn chế dịch bệnh gây mất an toàn thực phẩm khi nhập khẩu con giống.
Để thực hiện đề tài, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi Thanh Hóa đã điều tra, đánh giá hình thức, kiểu chuồng chăn nuôi và nguồn thức ăn cho bò vàng tại 9 xã thuộc các huyện Tĩnh Gia, Thọ Xuân và Cẩm Thủy. Kết quả cho thấy có khoảng 1.713 hộ chăn nuôi với tổng đàn bò là hơn 4.290 con, trong đó 2.430 con bò lai Zebu, hơn 1.860 con bò Vàng.
Cán bộ Trung tâm đã khảo sát 270 hộ đang nuôi 1.300 con bò vàng tại các huyện trên, qua đó xác định hình thức chăn nuôi là nhốt và kết hợp chăn thả, số lượng bò trên 2 năm tuổi chiếm 70%. Khối lượng bò vàng cái trưởng thành từ 2-5 năm tuổi vào khoảng 182,6 kg, bò vàng đực là 222 kg. Từ kết quả điều tra, khảo sát, Trung tâm đã xây dựng vùng nuôi trong điều kiện chăn nuôi nông hộ nhằm bảo tồn nguồn gen bò vàng thuần chủng tại chỗ và tuyển chọn bò đực, bò cái có chất lượng tốt để xây dựng mô hình.
Tại các xã Tân Trường và Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Trung tâm đã lựa chọn 31 hộ tham gia chăn nuôi, chọn 50 con bò vàng (46 cái, 4 đực) để nhân giống và xây dựng mô hình nuôi bảo tồn giống bò vàng. Sau khi thực hiện xong mô hình, cán bộ dự án đã xác định được khối lượng bò vàng cái sơ sinh tại hai xã này đạt 13,3 kg/con, bò đực con đạt 15,3 kg/con, khối lượng sau khi nuôi 12 tháng của bò đực đạt 118-120 kg/con, bò cái đạt 98,4-102 kg/con. Từ kết quả này, Trung tâm sẽ nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh để phục vụ người dân phát triển chăn nuôi.Trung tâm còn xây dựng bản hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò và xây dựng phương án bảo tồn nguyên vị (Insitu) nguồn gen bò vàng. Cùng với đó, Trung tâm tuyên truyền, mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò cho 40 người là cán bộ thú y và những hộ dân tham gia đề tài.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ, cùng các đơn vị liên quan sớm có phương án trình UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành chính sách, chương trình bảo tồn nguồn gen vật nuôi bản địa quý hiếm. Trung tâm tiếp tục bảo tồn và duy trì nguồn gen bò vàng quý nhằm phát huy hết lợi thế tiềm năng của giống vật nuôi, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học các loài động vật quý hiếm trên địa bàn.