Tam Hải còn đang được tỉnh Quảng Nam xây dựng đề án trình Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Tuy nhiên, vì nằm giữa biển, vào mùa mưa, bờ biển xã Tam Hải bị sóng biển gây sạt lở nhiều nơi, có nơi sóng ăn sâu hàng chục mét, kéo dài hàng trăm mét. Nỗ lực trong việc bảo vệ Tam Hải trước sự xâm thực ngày càng dữ dội của sóng biển bước đầu đã thu được những kết quả khả quan.
Để ngăn chặn sự xâm thực ngày càng dữ dội của sóng biển, cách đây hàng chục năm, xã đảo Tam Hải đã được đầu tư xây dựng tuyến kè biển xung yếu nhằm bảo vệ nhà cửa, vật kiến trúc, cơ sở hạ tầng và đất sản xuất của người dân. Trước sự công phá mạnh của triều cường và sóng biển trong mùa mưa bão, tuyến kè xung yếu bảo vệ xã đảo Tam Hải đã bị hư hỏng nặng, khiến đời sống và sản xuất của hàng trăm hộ dân ở hai thôn Tân Lập và Thuận An bị xáo trộn.
Hàng chục gia đình bị mất nhà do sóng biển và triều cường gây sạt lở. Nạn mất đất sản xuất, nhà cửa bị triều cường và sóng biển đe dọa, nhiều năm liền là mối lo thường nhật của người dân xã đảo. Đầu năm 2018 này, tuyến kè ở khu vực sạt lở năng nhất của xã đảo Tam Hải dài 1,8 km đã được xây dựng với nguồn kinh phí hơn 36 tỷ đồng, trong dự án tổng thể lên đến hàng trăm tỷ đồng nhằm ngăn chặn tình trạng xói lở ngày càng nghiêm trọng và ổn định đời sống cho người dân.
Ông Đỗ Thanh Lâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, việc xây dựng kè ở khu vực sạt lở nặng nhất của xã đảo Tam Hải được chia làm 2 giai đoạn. Đến nay, giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành. Giai đoạn 2 của dự án đã triển khai được 40% khối lượng.
Hiện tại, việc thi công gặp nhiều khó khăn vì đã vào mùa mưa bão. Để thi công, vào buổi sáng, chúng tôi thi công các phần việc trên bờ, buổi chiều khi triều xuống, chúng tôi thi công phần dưới nước, phấn đấu hoàn thành giai đoạn 2 vào trước ngày 30/10, nhằm ngăn chặn sạt lở thêm trong mùa mưa bão.
Với nguồn vốn được đầu tư, kè biển Tam Hải được xây dựng theo kết cấu: Móng kè là cọc bê tông dài 6 mét được đóng dưới mặt nước biển, mái kè được lát bởi các tấm bê tông, mỗi tấm nặng hơn 800kg, có chức năng tiêu giảm sóng, phía trong kè còn được xây dựng đường dân sinh để tăng sức chịu đựng của tuyến kè trước bão lũ. Với tuyến kè biển này, không những hàng trăm ha đất ở, đất sản xuất của người dân thôn Tân Lập và Thuận An, xã Tam Hải được bảo vệ mà các công trình dân sinh, vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch biển đảo trong tam giác biển đảo Cù Lao Chàm - Tam Hải - Lý Sơn cũng được bảo vệ an toàn.
Ông Trần Ngọc Hữu, Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết: Do ở vào vị trí đặc biệt, hằng năm xã đảo Tam Hải bị nước biển xâm thực vào đất liền từ 5-10 mét. Nhiều dự án phát triển du lịch biển đảo đã được các nhà đầu tư trong cả nước nhắm đến nhưng ngại triển khai vì nhà đầu tư còn e ngại trước tình trạng sạt lở cửa sông, bờ biển. Kè biển Tam Hải tiếp tục được xây mới kéo dài và tu bổ ở những khu vực xung yếu được đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão không những bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của người dân trên đảo mà còn tạo điều kiện để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch biển đảo.
Về lâu dài, tỉnh Quảng Nam cũng đã có kế hoạch đầu tư hàng trăm tỷ đồng để chống xâm thực khu vực Cửa Đại của xã Tam Hải, đồng thời kết nối giao thông, kết hợp phục vụ an ninh quốc phòng vùng ven biển. Trước mắt, trong năm tới, công trình xây kè chống sạt lở cho khu vực Cửa Lở và cửa An Hòa sẽ được triển khai thực hiện. Cửa Lở, cửa An Hòa và những khu vực xung yếu của bờ biển xã đảo Tam Hải được xây dựng hoàn thiện không những sẽ ổn định được đời sống và sản xuất của người dân mà còn là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong cả nước đầu tư khai thác thế mạnh về tiềm năng du lịch trên hòn đảo ngọc này để xây dựng thành sản phẩm du lịch biển đảo không phải nơi nào cũng có được. Đây chính là điểm nhấn trong tuyến du lịch biển đảo Cù Lao Chàm - Tam Hải - Lý Sơn, ông Ngô Đức An, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nhấn mạnh.