Bà Võ Thị Kim Nga quơ cái nón lá lên rồi đon đả đi không kịp khóa cửa nhà. Nhắc đến cây mía đang ngập con nước ngày rằm là bà cứ vội vội, vàng vàng và chỉ kịp nói với lên nhà trên "má ơi, con đi ra rẫy mía".
Mẹ chồng bà Nga năm nay đã hơn 80 tuổi, sống bao năm nay tại ấp 3, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Bà nghe tiếng con dâu nói đi ra rẫy mía thì không nằm dưỡng bệnh được mà lụ khụ bước xuống.
Mẹ chồng bà Nga bị bệnh tim nặng nên đi được tới trước hiên nhà con dâu thì ngồi thụp xuống cái ghế đá bị gãy một chân mà thở dốc. Sống chừng này tuổi rồi, nhưng đây là năm đầu tiên trong đời nhà bà cụ mắc nợ vì chuyển qua trồng mía - Bà cụ chia sẻ với ánh nhìn heo hút, nhòe nhoẹt trong vô vọng. Nước da nhợt nhạt, những cọng tóc bạc khô khan rơi lác đác, vương vãi khắp khuôn mặt càng làm cho hình ảnh bà cụ thêm già cỗi, hy vọng dường như mong manh. Hình ảnh của cụ bà lúc này chẳng khác gì cây mía của Hậu Giang hiện nay.
Để đi ra rẫy mía, từ ngôi nhà tạm bợ bên dòng kênh xáng Xà No, thuộc ấp 3, xã Vị Tân, bà Nga phải chạy xe gắn máy hơn 2 km theo con lộ nông thôn sồi sụp, xuống cấp hư hỏng nặng nề. Tiếp đó đến cặp kênh Mười Thước, rồi rẽ vào con kênh thủy lợi chừng 1 km thì hết đường đi xe máy rồi phải đi bộ hơn 200 m nữa mới tới.
Vừa đánh lá mía, bà Nga nói như muốn khóc, nhà làm ruộng mười mấy, hai chục năm nay nhưng thu hoạch kém, lãi lời chả được bao nhiêu. Năm nay, bà quyết định lên liếp trồng mía. Chi phí lên liếp, bơm sình, mua mía giống, mướn người đào hộc trồng mía... đã hơn 70 triệu đồng. Nhưng nay, mía đến kỳ thu hoạch, giá bán thấp, chỉ được 600-700 đồng/kg thì lỗ cầm chắc.
Gia đình bà Nga có bốn người và có hơn một ha đất nông nghiệp. Hai vợ chồng bà làm ruộng, làm rẫy nuôi mẹ già và lo cho một đứa con trai năm nay vào đại học năm thứ nhất. Mấy chục năm qua, gia đình bà cứ xoay vần hết cây trồng này đến cây trồng khác mà tạm có của ăn, của để. Nhưng năm nay, gia đình chuyển sang trồng mía thì không những thiếu ăn mà còn lâm vào cảnh nợ nần hàng chục triệu đồng.
Rời gia đình bà Nga, không ai không nghèn nghẹn khi nghĩ về cây mía Hậu Giang hôm nay hay mai sau. Thế nhưng, ở tỉnh thuần nông này, thật không dễ tránh để không gặp cây mía vì loại cây này là nguồn thu nhập chính của hơn 10.000 hộ nông Hậu Giang. Cây mía luôn là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh nhiều năm qua.
Đã hơn 20 năm, cuộc sống nhiều người dân nơi đây ổn định, thậm chí khấm khá nhờ gắn bó với cây mía. Vì thế, Hậu Giang có diện tích trồng mía lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 10.500 ha. Thế nhưng, sự bấp bênh lại bắt đầu hiện hữu.
Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp Nguyễn Thế Tự lo lắng, nhiều diện tích mía của Phụng Hiệp nếu không được thu hoạch trong tháng 9 thì sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng, thậm chí có diện tích sẽ bị thiệt hại nặng. Nhất là các diện tích mía tại xã Hòa An, nếu nước lũ tiếp tục lên như hiện nay và không có người thu mua thì chắc chắn nhiều diện tích có nguy cơ mất trắng.
"Niên vụ mía này Công ty chỉ ăn bã bùn, bã mía thôi", ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc Công ty mía đường Cần Thơ (Casuco) chua chát nói. Đường tồn từ niên vụ trước hiện nay còn 31.000 tấn. Hiện sức chứa của kho nhà máy đã hết, Công ty phải chất ra ngoài trời, xung quanh khu vực nhà máy. Lượng đường tồn kho của Công ty, dù cố gắng lắm cũng chỉ bán ra thị trường được từ 2.000-3.000 tấn/tháng, tương đương 30 tỷ đồng. Nhưng để vào vụ ép là 150.000 tấn mía/tháng, Công ty phải có số vốn 120 tỷ đồng. Bởi vậy, Công ty chưa biết được ngày chính thức vào vụ ép nhưng sẽ cố gắng cho nhà máy chạy vào đầu tháng 10 để bước vào thu mua mía cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc TNHH Cồn mía đường Long Mỹ Phát (Lusuco) giải thích, năm nay không ký hợp đồng tiêu thụ với người trồng mía như các năm trước là do Công ty đang gặp khó khăn về tài chính. Trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”, Công ty quyết định vẫn mua mía của bà con và ngày 25/9 nhà máy chính thức vào vụ ép. Mục tiêu là giảm bớt khó khăn cho nông dân, chứ không mong có được lợi nhuận; chỉ hy vọng bảo đảm nguồn vốn là mừng.
"Chưa có năm nào ngành mía đường gặp khó như năm nay. Ngay từ đầu niên vụ mía 2018 – 2019 đã báo trước một vụ mùa hết sức khó khăn.", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng chia sẻ.
Tại Hậu Giang, nước lũ sẽ lên cao từ ngày 25/9 và sẽ đạt đỉnh lũ từ ngày 10/10. Ngành nông nghiệp, các đơn vị, địa phương đã có kế hoạch thu hoạch mía, nhất là diện tích mía chín sớm, có nguy cơ bị ngập nước lũ tại huyện Phụng Hiệp. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có chính sách bình ổn giá đối với mặt hàng đường cát trắng do tình hình tiêu thụ mía đang hết sức khó khăn.