Xây dựng cánh đồng mía lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất ở huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai giúp giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN |
Tuy nhiên, sự vào cuộc chậm từ các doanh nghiệp đã khiến nhà máy và người dân lo lắng từng ngày. Sau vài tháng hội nhập, ngành mía đường trong khu vực vẫn đang loay hoay tìm lối trước áp lực cạnh tranh từ đường nhập khẩu.
Đi tìm cánh đồng mẫu lớn Đón đầu trước thách thức hội nhập, Công ty cổ phần Đường Kon Tum đã tìm mọi cách, phối hợp với chính quyền vận động người dân xây dựng cánh đồng mẫu lớn nhưng đều thất bại. Toàn tỉnh có gần 2.000 ha mía nhưng không có một cánh đồng mẫu lớn nào rộng 5 ha.
Là người trồng mía lâu năm tại Kon Tum với diện tích gần 80 ha nhưng anh Đoàn Minh Thiên ở thành phố Kon Tum vẫn không có cho mình một diện tích liền thửa rộng 2 ha để làm. “Đa số tôi thuê đất trồng mía. Diện tích liền thửa không có. Đất thuê của người dân tộc thiểu số nhưng manh mún, nhỏ lẻ. Rộng nhất chỉ 1 ha. Vì diện tích nhỏ lẻ nên giờ tôi cũng chỉ trồng theo kiểu thủ công, không áp dụng máy móc được”, anh Thiên thừa nhận.
Trong khi đó, ông Lê Hồng Thái, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đường Kon Tum thừa nhận không thể tìm được cánh đồng mẫu lớn ở tại Kon Tum. “Nhà máy có nhiều chính sách ưu đãi cho các cánh đồng mẫu lớn như hỗ trợ kỹ thuật cày bừa, đào giếng khoan tại cánh đồng, đưa giống mới. Cùng đó là làm thủy lợi, giao thông nội đồng… để đem lại hiệu quả cao nhất cho cây mía. Tuy nhiên, Kon Tum hiện không có cánh đồng nào đủ lớn (từ 5 ha trở lên) để làm. Đất chỉ có ở trong dân nhưng nhỏ lẻ, manh mún”, ông Thái thừa nhận.
Trong khi đó, tại Gia Lai, nơi có diện tích mía đường lớn nhất Tây Nguyên với tổng diện tích hơn 41.000 ha. Toàn tỉnh hiện có 2 nhà máy đường An Khê (thuộc Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi) và Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai. Lộ trình hội nhập đã có từ lâu nhưng đến năm 2017, Nhà máy đường An Khê mới bắt đầu tập trung mọi nguồn lực triển khai đồng bộ 3 chương trình lớn gồm cơ giới hóa; hóa học hóa (cung cấp phân bón đặc hiệu cho cây mía), sinh học hóa (cung cấp nguồn giống và cải tạo đất) và tối ưu hóa trong quản lý nông, công nghiệp vào chuỗi sản xuất để tăng năng suất, sản lượng, giảm chi phí đảm bảo lợi nhuận hài hòa giữa người trồng mía và đơn vị.
Xác định phải làm cánh đồng mẫu lớn, yếu tố mang tính bền vững, Nhà máy đường An Khê đã chủ động liên kết với người nông dân mở rộng các cánh đồng lớn nhằm đưa công nghệ canh tác (cày, bừa và trồng) bằng định vị vệ tinh không người lái, giúp giảm tối đa chi phí định mức đầu tư. Tuy nhiên, suốt thời gian dài Nhà máy Đường An Khê mới chỉ xây dựng được 100 cánh đồng lớn với tổng diện tích hơn 4.000 ha. Gần bằng 1/8 tổng diện tích toàn vùng nguyên liệu của nhà máy.
Ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê cho biết, để tiếp tục tăng sức cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập, đơn vị xác định mục tiêu là ưu tiên xây dựng cánh đồng lớn và phấn đấu đến năm 2020 phải đạt 30% diện tích cánh đồng lớn và 85% diện tích được cơ giới hóa, năng suất bình quân đạt 85 tấn/ha.
Riêng Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai, đến nay mới xây dựng được 30 cánh đồng lớn với tổng diện tích gần 300 ha/11.000 ha vùng nguyên liệu.
“Một giải pháp mang tính căn cơ trong thời gian tới đó là tích cực phối hợp với công ty để hình thành nên các hợp tác xã kiểu mới, các tổ hợp tác, các nhóm sản xuất, đặc biệt là các tổ chức này sẽ đi sâu vào cánh đồng lớn. Chỉ có cánh đồng lớn và các tổ chức liên kết bền vững mới phát huy được thế mạnh và cạnh tranh hiệu quả trong thời kỳ này”, ông Huỳnh Vĩnh Hương, Phó Chủ tịch huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) thừa nhận
Tại tỉnh Đắk Lắk, nơi có vùng nguyên liệu mía đường lớn thứ 2 ở Tây Nguyên với diện tích hơn 20.000 ha. Tuy nhiên đến nay, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn là thách thức của cả 2 nhà máy thuộc Công ty Cổ phần Mía đường 333 và Công ty Cổ phần Mía đường Đắk Lắk.
Ông Lê Tuân, Trưởng Phòng nguyên liệu Công ty cổ phần Mía đường 333 thừa nhận phần lớn diện tích mía được trồng ở những chân đất không bằng phẳng, khó khăn trong việc thực hiện áp dụng cơ giới hóa trong các cánh đồng mẫu lớn dù công ty có vùng nguyên liệu rộng lớn hơn 8.000 ha ở hai huyện Ea Kar và M’Đrắk.
Hiện công ty đã phối hợp với UBND huyện Ea Kar triển khai thí điểm mô hình “Dồn điền đổi thửa” trên diện tích 50ha. Công ty đầu tư toàn bộ giống mía mới, phân bón, chi phí sản xuất cũng như tập trung cơ giới hóa máy móc toàn bộ diện tích. Từ mô hình này công ty hy vọng tạo ra được vùng nguyên liệu tập trung, làm những cánh đồng mẫu lớn để tăng hiệu quả trong sản xuất.
Dù biết phải làm cánh đồng mẫu lớn nhằm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng cánh đồng mía nhưng đến nay mong muốn trên vẫn khó khả thi với các nhà máy đường ở Tây Nguyên. Nguyên nhân có nhiều, từ việc đất của dân nhỏ lẻ, manh mún, thói quen, tập quán người dân thì cũng có nguyên nhân từ chính các nhà máy chậm vào cuộc để giúp người dân hiểu được hiệu quả của việc xây dựng cánh đồng lớn.
Đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía Kho sản phẩm của nhà máy đường An Khê. Ảnh: Sỹ Huynh/TTXVN |
Bế tắc trong việc phát triển nhanh cánh đồng lớn, các nhà máy đường trong khu vực Tây Nguyên cũng đã tìm lối đi riêng cho mình. Theo đó, đa dạng hóa các sản phẩm từ cây mía đang được các nhà máy đường trong khu vực áp dụng và bước đầu mang lại thành công.
Ông Đoàn Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần mía đường 333 (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, trước những khó khăn thời hội nhập, các nhà máy có nguồn nguyên liệu ổn định cần liên kết chặt chẽ với người dân, đa dạng hóa các sản phẩm sau đường, như vậy mới có thể trụ vững trước những thách thức hội nhập.
Theo đó, công ty đang sử dụng nguồn điện sinh khối tự sản xuất được từ phế phẩm bã mía với công suất 7MW điện/h. Công ty đã được Tập đoàn điện lực Việt Nam chấp thuận đấu nối vào lưới điện quốc gia, trong thời gian tới công ty có thể cung ứng điện ra bên ngoài, mang lợi nhuận về cho đơn vị. Ngoài điện sinh khối, hiện công ty đã sản xuất thêm được nước khoáng đóng chai vina 333. Công ty đang tiếp tục đầu tư sản xuất cồn ethanol pha săng E5, phân vi sinh, bánh kẹo.
Trong khi đó, tại Gia Lai, Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai đã đứng vững suốt thời gian dài, trong đó có đóng góp không nhỏ từ điện sinh khối. Nhà máy nhiệt điện công suất 34 MW đã giúp nhà máy tự chủ nguồn điện, ngoài ra, mỗi năm nguồn điện sinh khối mang lại cho doanh nghiệp khoảng 60 tỷ đồng/1 vụ ép.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Bá Chủ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai thừa nhận giá mua chưa phù hợp, chỉ 5,8 cent/kW, trong khi đó giá điện sinh khối là 7,3 cent/kW. “Chúng tôi mong muốn nhà nước xem xét cho chúng tôi bán điện với giá điện sinh khối để chúng tôi giảm giá thành, có điều kiện hỗ trợ bà con nông dân trong vấn đề trồng và phát triển cây mía” ông Nguyễn Bá Chủ cho biết.
Trong khi đó, không ngoài xu thế đa dạng hoa sản phẩm từ mía, ngay từ tháng 2, Nhà máy đường An Khê đã đưa Nhà máy điện sinh khối đi vào hoạt động. Nhà máy có công suất 70 MW. Lợi nhuận tăng thêm khoảng 1,5 tỷ đồng/ngày.
“Định hướng trong những năm sắp tới, ngoài việc nâng công suất của Nhà máy từ 18 tấn mía/ngày hiện nay lên 25 tấn mía/ngày trong năm 2022, Nhà máy đường An Khê sẽ xây dựng dây chuyền đường luyện RE để sản xuất đường sạch cung ứng ra thị trường trong nước và quốc tế, xây dựng Nhà máy phân vi sinh và cồn Ethanol từ các sản phẩm sau đường để tăng thêm hiệu quả thu nhập cho người trồng mía” Ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê khẳng định.
Trong khi đó, tại Kon Tum, dù diện tích nhỏ nhưng trước sức ép hội nhập, Công ty cổ phần Đường Kon Tum cũng đã đưa giống mới vào trồng trong niên vụ 2017-2018. Theo đó, năng suất mía tăng từ 60 tấn/ha lên 90 tấn/ha, chữ đường cũng tăng theo. Hiện 35% diện tích mía trong tỉnh đã áp dụng giống cũ sẽ được công ty cho cày, đưa giống mới vào trồng trong niên vụ tới. Toàn bộ chi phí vận chuyển mua giống do công ty hỗ trợ dân.
Ngoài ra, công ty đã từng bước nâng chất lượng đường đủ để cạnh tranh sòng phẳng trên thương trường về chất lượng. Việc đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía, nhất làm điện sinh khối, cồn cũng được công ty tính tới. Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Thái, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường Kon Tum thừa nhận áp lực lãi vay ngân hàng thương mại quá cao nên doanh nghiệp chưa dám làm.
Sức ép từ hội nhập đã khiến các nhà máy đường trong khu vực Tây Nguyên phải tự tìm lối cho riêng mình. Hy vọng các giải pháp của từng nhà máy sẽ đem lại hiệu quả, góp phần giúp cây mía đứng vững. Từ đó, người dân Tây Nguyên sẽ tiếp tục đồng hành với cây mía, cây trồng duy nhất trong khu vực được bảo hiểm giá thu mua và có đầu ra ổn định.