Từ năm 2015 đến nay, đã có 7 nhà đầu tư được tỉnh cấp chủ trương đầu tư trên các vị trí được quy hoạch. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn chưa có dự án điện gió nào được triển khai xây dựng.
Hiện, Bến Tre đã thu hồi chứng nhận đầu tư một dự án (do nhà đầu tư không triển khai thực hiện dự án theo tiến độ đã đăng ký). Một dự án tỉnh gia hạn đến tháng 6/2017, nếu chủ đầu tư vẫn không triển khai dự án, tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Đối với 5 dự án còn lại, các chủ đầu tư đang trong quá trình thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư.
Theo ông Cao Văn Trọng, nguyên nhân các dự án điện gió ở Bến Tre chậm triển khai là do cơ chế bán giá điện cho các dự án điện gió còn bất cập. Theo quy định, giá bán hiện nay là 1.614 đồng/kWh (tương đương 7,8 cent/kWh) tương đối thấp so với một số nước trong khu vực, trong khi suất đầu tư lại khá cao. Do vậy, hiệu quả đầu tư các dự án điện gió chưa cao. Các nhà đầu tư cũng khó tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng; đồng thời chờ Thủ tướng Chính phủ ban hành mức giá bán điện mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện gió trong thời gian tới.
Theo đó, Bến Tre thực hiện nhanh, kịp thời các thủ tục thuộc thẩm quyền của tỉnh trong công tác thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công; cấp giấy phép xây dựng. Bên cạnh đó, đánh giá tác động môi trường; thủ tục giao đất, công tác giải phóng mặt bằng… Đồng thời, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục với các Bộ, ngành Trung ương khi triển khai dự án.
"Nếu các nhà máy điện gió đã được đầu tư đi vào hoạt động ổn định, tỉnh sẽ thu hút được trên 7.000 tỷ đồng. Cùng với đó, khi các nhà máy điện gió hoàn thành không những giúp tỉnh chủ động 1/3 nhu cầu về điện, góp phần tăng thu ngân sách mà còn thực hiện tốt giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, hạn chế tác động trực tiếp của sóng biển, chống xói lở bờ biển trên địa bàn tỉnh" - ông Cao Văn Trọng nói.