Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2014-2018 với tổng kinh phí 6,9 triệu EUR, do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ) tài trợ trong khuôn khổ Sáng kiến Công nghệ Khí hậu của Đức (DKTI).
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Bộ Công Thương Đặng Huy Cường, ngành Điện lực Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Đó là thiếu nguồn năng lượng sơ cấp cho phát điện, dẫn tới phải nhập khẩu than; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; thực hiện các cam kết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Mới đây nhất là mục tiêu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong năng lượng của Việt Nam tại Hội nghị 21 Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu tháng 12/2015.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo. Theo đó, Chiến lược phát triển Năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 20 ngày 25/11/2015 đặt ra các mục tiêu cụ thể.
Trong đó đối với phát triển điện gió có điện năng sản xuất tăng từ 180 triệu kWh năm 2015 lên khoảng 2,5 tỷ kWh vào năm 2020, khoảng 16 tỷ kWh từ năm 2030 và khoảng 53 tỷ kWh năm 2050.
Các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, nằm trong vùng khí hậu gió mùa và được định hình bởi đường bờ biển dài 3.000km, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong phát triển điện gió, ước tính tiềm năng này vào khoảng 24GW. Song để phát triển thị trường điện gió, một số rào cản pháp lý và thị trường cũng như nhu cầu về năng lực cần được khắc phục.
Thông qua tài trợ của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, GIZ đã hỗ trợ Việt Nam từ năm 2009 trong việc đạt được năng lượng tái tạo. Một số dự án đã và đang được triển khai bao gồm Năng lượng Gió giai đoạn 2009-2012; Năng lượng Sinh học 2012-2015; Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió 2014-2018; Năng lượng Tái tạo và hiệu quả năng lượng 2015-2018; Chương trình phát triển dự án năng lượng tái tạo 2015-2018; Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng 2017-2021.
Riêng Dự án Hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam thực hiện trong khoảng thời gian 2014-2018 thông qua hỗ trợ kỹ thuật. Dự án được thực hiện do Bộ Công Thương, Tổng cục Năng lượng và GIZ. Trong phạm vi Dự án này, Bộ Công Thương cùng GIZ cùng hợp tác nâng cao khung pháp lý; đồng thời phát triển năng lực bao gồm đào tạo cho các tổ chức công như các nhà đầu tư, các ngân hàng địa phương, các công ty tư vấn hoặc các công ty kỹ thuật chuyên môn…