Năm hết, Tết đến cũng là thời điểm chị Giang, một viên chức Nhà nước thường gom góp những đồng tiền dư dả sau một năm làm việc đi mua vàng để tích trữ. Thói quen này đã diễn ra nhiều năm nay kể từ khi hai vợ chồng chị ra ở riêng. Tuy nhiên, năm nay thói quen đó lại đang được cân nhắc chuyển sang phương án mới. Câu chuyện của chị Giang chính là một phần trong bức tranh phản ánh thị trường vàng năm 2013, năm được nhiều người ví von là năm “lặng sóng” của vàng.
Người dân đến giao dịch vàng đã thưa hơn nhiều so với những năm trước. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN |
Vàng, thứ kim loại quý hiếm thường “nhảy múa” sôi động vào mỗi dịp cuối năm. Giờ đây, khi năm cũ đang đi qua, đó lại không còn là câu chuyện nóng hổi trong các cơ quan khi tiền thưởng Tết trao tay. Trong câu chuyện tại quán nước chè ven đường hay ngoài chợ, người dân không còn xôn xao nhắc đến vàng. Tại các con “phố vàng” như Hà Trung, Trần Nhân Tông của Hà Nội những ngày cuối năm, người dân vẫn đến giao dịch vàng nhưng đã thưa hơn nhiều so với những năm trước. Không còn cảnh người dân lũ lượt xếp hàng hay chen lấn để mua vàng, cũng không còn tình trạng chấp nhận lấy phiếu hẹn rồi nhận vàng sau.
Rõ ràng, thứ kim loại quý hiếm đang mất đi vị thế của mình và đang làm nản lòng người dân. Điều đó cho thấy, “bàn tay” can thiệp bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát huy tác dụng. Nhìn lại năm 2013, một loạt các giải pháp mạnh đã được cơ quan này đưa ra nhằm “ghìm cương” giá vàng. Cùng với việc triển khai những quy định của Nghị định 24 quy định Nhà nước độc quyền xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng, thời gian qua NHNN đã kiên quyết thực hiện lộ trình nhằm chấm dứt hoạt động huy động, cho vay bằng vàng, từ đó giảm mạnh tâm lý nắm giữ, đầu cơ vàng, ngăn ngừa rủi ro cho các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, trong vai trò là người mua bán cuối cùng trên thị trường vàng, lần đầu tiên NHNN tổ chức đấu thầu vàng miếng vào ngày 28/3. Sau khi thực hiện 76 phiên đấu thầu trong năm 2013, NHNN đã cung ứng ra thị trường gần 70 tấn vàng. Lượng cung vàng khổng lồ này vào thị trường dường như đã “giải cơn khát” vàng triền miên, cũng như hạn chế được tình trạng mất cân đối cung - cầu loại kim loại quý hiếm này, qua đó góp phần ổn định thị trường vàng.
Có thể nói, việc tăng cung, “giải cơn khát” đã giúp thị trường vàng ổn định, ít nhất về mặt tâm lý, từ đó không có sự hỗn loạn mỗi khi giá thế giới biến động. Tính từ đầu năm đến nay, thương hiệu vàng SJC đã giảm tới gần 12 triệu đồng mỗi lượng. Đà rơi này nếu như trong những năm trước sẽ khiến thị trường “lên cơn sốt”, hấp dẫn kẻ bán người mua tấp nập thì năm nay, tình trạng xếp hàng mua bán vàng đã trở nên hiếm hoi. Cũng trong thời gian qua, mặc dù giá vàng thế giới có biến động, nhưng trong nước vẫn giữ được sự ổn định về giá, không còn những cơn nóng lạnh trên thị trường, giới đầu cơ cũng không có cơ hội tạo sóng, làm giá, thao túng thị trường để kiếm lời như trước đây. Điều này cũng thể hiện người dân và giới đầu cơ dường như ngày càng không mặn mà với vàng.
Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia kinh tế, độ “vênh” khá lớn giữa giá vàng nội và vàng ngoại cũng là nguyên nhân khiến vàng kém hấp dẫn tại thời điểm này. Bởi lẽ, sự trầm lắng của thị trường cùng với vị trí “tránh bão” của vàng đang bị lung lay khiến người dân thận trọng hơn với thứ kim loại quý này. Một lý do nữa khiến người dân không còn mặn mà đầu tư vào vàng đó là lo sợ giá sẽ giảm hơn nữa. Hiện nay, các dự báo đều cho rằng năm 2014 giá vàng có nguy cơ còn tiếp tục đi xuống và có thể lùi về mốc 1.000 USD/ounce, tức quy đổi tương đương chưa đến 26 triệu đồng/lượng. Cùng với đó, năm 2014 được dự báo sẽ là năm khởi sắc của nhiều kênh đầu tư khác. Các chuyên gia phân tích rằng, thị trường chứng khoán phục hồi và triển vọng tươi sáng của kinh tế toàn cầu sẽ khiến vàng không còn sức hấp dẫn đối với giới đầu tư như trước.
Ở góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trong năm 2013, NHNN đã thành công trong ổn định trường vàng. Vị chuyên gia đầy kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng này đề xuất, NHNN nên chuẩn bị một thị trường trong đó có nhiều nhà kinh doanh để dần dần tiến đến thay thế vai trò của mình. Trong tương lai, thị trường vàng nên có giá bình quân giống như thị trường ngoại hối. Với mức giá này, các ngân hàng không thể vượt trần và NHNN hoàn toàn có thể đẩy giá xuống bằng biện pháp hành chính.
Chỉ đạo triển khai nhiệm vụ năm 2014 của ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu NHNN tiếp tục quản lý tốt thị trường vàng trong năm tới. Ba điểm mà Thủ tướng nhấn mạnh trong quản lý thị trường vàng là NHNN vẫn phải độc quyền xuất nhập khẩu vàng; các NHTM không được huy động vàng, cho vay vàng; không để thị trường vàng làm mất ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt năm 2014, Thủ tướng đề nghị NHNN nghiên cứu để có chính sách huy động nguồn lực vàng cất trữ trong dân nhằm đầu tư cho sản xuất kinh doanh.
Dù đã đạt được những thành công ban đầu trong bình ổn thị trường vàng nhưng trong năm 2014, NHNN vẫn kiên định chính sách điều hành thận trọng và linh hoạt. Ở cương vị Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối của NHNN, ông Nguyễn Quang Huy nhìn nhận, vàng đã bớt “lấp lánh” nhưng trong thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp được đưa ra trong Nghị định 24 nhằm ổn định thị trường này, đồng thời tiếp tục cung ứng vàng ra thị trường thông qua đấu thầu nhằm tạo sự cân đối cho thị trường, tiếp tục bình ổn thị trường và dài hơi hơn là chống vàng hóa trong nền kinh tế.
“Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều phương án, kể cả mua vàng để tăng dự trữ ngoại hối. Với tư cách nhà quản lý và tham gia thị trường, chúng tôi sẵn sàng chuẩn bị cho tất cả các tình huống”, ông Vụ trưởng vụ Quản lý ngoại hối khẳng định.
Đỗ Huyền