Theo Sở Giao thông Vận tải, Bình Phước có 4 dự án BOT gồm: dự án BOT quốc lộ 13 đoạn từ cầu Tham Rớt đến thị xã Bình Long do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Bình Phước làm chủ đầu tư; dự án BOT quốc lộ 13 đoạn An Lộc - Lộc Tấn do Công ty cổ phần BOT quốc lộ 13 An Lộc - Hoa Lư làm chủ đầu tư; dự án BOT ĐT.741 đoạn từ Bàu Trư đến thành phố Đồng Xoài do Công ty cổ phần đầu tư xây lắp miền Nam làm chủ đầu tư và dự án BOT ĐT.741 đoạn từ Trường Cao đẳng Công nghiệp cao su Việt Nam đến thị xã Phước Long do Công ty cổ phần BOT kinh doanh đường ĐT.741 làm chủ đầu tư.
Đến nay, các chủ đầu tư đã hoàn thành lắp đặt hệ thống thiết bị công nghệ điện tử thu phí tự động, đưa vào vận hành thử nghiệm, dự kiến đến cuối tháng 12/2020 sẽ đưa vào vận hành chính thức.
Tại buổi làm việc, ông Trần Hùng Việt, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho rằng, hiện nay tất cả các dự án BOT trên địa bàn tỉnh mới chỉ triển khai thực hiện thu phí tự động không dừng đối với 30% số làn của một trạm, riêng dự án BOT quốc lộ 13 đoạn Tham Rớt - Bình Long là 50% số làn của một trạm, các làn còn lại thực hiện thu phí thủ công.
Sở Giao thông Vận tải Bình Phước cũng kiến nghị, Tổng cục đường bộ Việt Nam xem xét làm rõ cách tính tỷ lệ phần trăm mức thu trên tổng doanh thu của toàn trạm hay trên doanh thu của các làn thu phí tự động không dừng nhằm chi trả chi phí cho nhà cung cấp dịch vụ, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng. Trong quá trình thực hiện cần tính đến tính khả thi của dự án, với lưu lượng xe của Bình Phước cần tính toán lại số làn tự động hợp lý và giải quyết bài toán xe quá khổ, quá tải.
Phó tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng đánh giá cao tinh thần chủ động của Bình Phước trong triển khai lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng để hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, ghi nhận và giải trình các ý kiến, kiến nghị của Sở Giao thông Vận tải Bình Phước cũng như các chủ đầu tư BOT. Sau khi đưa vào vận hành khai thác Tổng cục sẽ có đánh giá thực tế để hoàn thiện dần.
Phó tổng Cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các cơ quan của Tổng cục đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông Vận tải cần rà soát lại hệ thống biển báo, cọc tiêu và tăng cường công tác tuyên truyền tới doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức chủ động dán thẻ, sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng khi qua các trạm thu phí.