Vì sao người dân chưa mặn mà với thu phí tự động không dừng?

Thời gian qua Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án thu phí điện tử không dừng (ETC).

Chú thích ảnh
Trạm thu phí tại Km 152 + 080 trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đã hoàn thành việc lắp đặt 6 làn thu phí ETC. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN

Tuy nhiên, theo đánh giá tại một số dự án đã triển khai, số phương tiện sử dụng ETC còn ít. Cụ thể như Quốc lộ 5 qua gần 4 tháng triển khai số lượng phương tiện sử dụng mới chỉ chiếm từ 6-8%, hay cao tốc cửa ngõ phía Nam Thủ đô là Pháp Vân – Ninh Bình cũng chỉ chiếm 25% trên tổng lượng phương tiện qua trạm.

 Nhiều chủ phương tiện chưa tham gia ETC

Theo các chuyên gia giao thông, thu phí không dừng ETC là giải pháp giao thông thông minh với nhiều ưu điểm vượt trội so với cách thu phí truyền thông đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công; trong đó, có việc minh bạch việc thu phí, giảm tắc nghẽn giao thông. Vậy lý do vì sao tiến độ dự án này luôn bị chậm so với mốc đề ra, đặc biệt là số lượng phương tham gia vẫn chưa nhiều.

Trong nhiều lý do khiến việc thực hiện chậm tiến độ như: thiếu nguồn vốn triển khai trạm thu phí trên các tuyến cao tốc, một số quyết định, quy định liên quan cần sửa đổi..., có một vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng, đặc biệt là của chủ sở hữu phương tiện, đó là lựa chọn công nghệ kết nối, thanh toán dịch vụ trả phí không dừng…

Trung tuần tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 19/2020/QĐ-TTg (Quyết định 19) về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (thay thế cho Quyết định 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017). Quyết định này được các chuyên gia giao thông nhận định sẽ tháo gỡ toàn bộ những “nút thắt” của dự án thu phí ETC hiện đang gặp khó khăn.

Để đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị tại các trạm BOT, Quyết định 19 cho phép nhà đầu tư BOT có thể lựa chọn tự đầu tư thiết bị và kết nối với nhà cung cấp dịch vụ hoặc không đầu tư. Nhà đầu tư dự án BOT và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động thỏa thuận về đơn vị quản lý trạm thu phí, thay vì nhà đầu tư dự án BOT bắt buộc phải chuyển giao quyền quản lý, vận hành trạm cho đơn vị thu phí tự động như trong Quyết định 07/2017/QĐ-TTg trước đó.

Về giải quyết vướng mắc về dòng tiền, Quyết định 19 đã giải quyết cơ bản “nút thắt" về dòng tiền của chủ phương tiện nạp vào tài khoản giao thông; trong đó, quy định trách nhiệm của ngân hàng là hướng dẫn để kiểm soát dòng tiền này theo quy định.

Thay vì bắt buộc tất cả các trạm phải lắp làn thu phí không dừng, theo quy định mới mỗi trạm thu phí sẽ duy trì 1 làn hỗn hợp, mỗi chiều lưu thông cho xe chưa kịp dán thẻ hay nạp tiền lưu thông. Đến khi đủ điều kiện sẽ chuyển toàn bộ các làn sang thu phí không dừng.

Quyết định này cũng sửa đổi quy định, chủ phương tiện có trách nhiệm nộp tiền vào tài khoản thu phí qua hình thức nộp tiền tài khoản hoặc hình thức khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp chủ phương tiện sử dụng dịch vụ mà tài khoản không có tiền, phương tiện phải chuyển sang làn hỗn hợp.

Đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, Quyết định 19 đã tạo cơ chế linh hoạt trong quá trình triển khai, hài hòa được lợi ích của các bên và bổ sung trách nhiệm của các cơ quan, bộ, ngành liên quan.  Ngoài ra, Quyết định 19 đã “chốt” thời hạn là chậm nhất đến ngày 31/12/2020 các trạm thu phí BOT, chưa lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng. Đây là "mấu chốt" để đẩy nhanh tiến độ dự án thu phí ETC theo yêu cầu của Chính phủ.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư- PPP (Bộ Giao thông Vận tải) thông tin, đến thời điểm 31/12/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành giai đoạn 1 với 40 trạm. Tuy nhiên, vướng mắc nhất là các dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) không tìm được nguồn vốn triển khai.

Lý do vì dự án án của VEC vay vốn ODA, hiện Hiệp định vay vốn đã kết thúc. Giai đoạn 2 của dự án có 33 trạm và hiện việc khảo sát, thiết kế 33 trạm này đã được hoàn thành.

Còn theo ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ, môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), thời gian qua, Tổng cục đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đánh giá tổng thể khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân dẫn đến việc triển khai tiến độ thu phí tự động không dừng chưa đạt như mong muốn.

“Nguyên nhân khách quan là do hình thức thu phí ETC rất mới với Việt Nam. Mới về cả công nghệ, mô hình quản lý và hình thức triển khai. Điều này dẫn đến việc khi đưa vào triển khai có một số vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến bất cập cần phải tháo gỡ. Mặc khác, do dòng tiền tại các dự án BOT bị sụt giảm từ 30 - 50%. Từ đó, phương án tài chính thu phí không dừng không đạt được như ban đầu. Điều này, khiến nhà tài trợ tín dụng lo ngại, làm chậm tiến độ của dự án”, ông Tô Nam Toàn chia sẻ.

Đề cập đến lý do vì sao nhiều dự án đã triển khai thu phí ETC mà lượng phương tiện tham gia chưa nhiều, ông Tô Nam Toàn lý giải là từ thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn. Điều này dẫn đến việc sử dụng dịch vụ thu phí không dừng còn hạn chế.

Ông Toàn dẫn chứng, nhiều trạm thu phí tại địa phương khi triển khai lắp 2 làn mới chỉ đạt từ 10 - 20% phương tiện sử dụng. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là làm thêm có lãng phí hay không bởi đầu tư nhiều, nhưng làn 1 dừng thì ùn tắc còn làn không dừng lại vắng tanh.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ, mặc dù các cơ quan chức năng đã truyền thông rất nhiều, nhưng vẫn chưa thay đổi được thói quen của người dân.

Là nhà đầu tư tham gia dự án thu phí ETC giai đoạn 2, ông Võ Anh Tâm, Tổng giám đốc Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp - Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel chia sẻ, do các phương án tài chính, đặc biệt doanh thu sụt giảm tại các trạm BOT đã dẫn đến việc các nhà tài trợ vốn chưa thực sự tham gia quyết liệt.

Tuy nhiên, Viettel xác định đây là nhiệm vụ Chính phủ giao và mong muốn cung cấp các giải pháp nhanh nhất để hệ thống này nhanh chóng đi vào hoạt động, cung cấp cho người dân những dịch vụ tiện ích nhất. Do đó, đơn vị này đang đẩy nhanh nghiên cứu những công nghệ mới, áp dụng triển khai và để năm 2020 hệ thống sẵn sàng vận hành, triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cần đồng bộ giải pháp

Trả lời câu hỏi vì sao có hiện tượng doanh nghiệp vận tải và người dân đã dán thẻ E-tag nhưng không nạp tiền, sử dụng và có phải do phương thức thanh toán phí chưa được tối ưu, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ, thời gian qua các doanh nghiệp vận tải rất quan tâm đến vấn đề thu phí không dừng. Hiệp hội cũng đã trao đổi với một số địa phương và doanh nghiệp vận tải lớn thì thấy, còn nhiều vấn đề phải giải quyết; trong đó, cần giải quyết mối quan hệ giữa người bán dịch vụ và người mua dịch vụ.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Quyền cho hay, các nhà đầu tư BOT nên bán dịch vụ và người kinh doanh vận tải hay người dân tham gia trên đường là bên mua dịch vụ. Đơn vị cung ứng dịch vụ chỉ nên là đơn vị giúp cho bên bán được dịch vụ tốt nhất, công khai minh bạch nhất.

Muốn bán được phải nghiên cứu thị trường xem người ta cần và mong muốn gì. Vấn đề này này trong thời gian qua dường như chưa quan tâm đúng mức. Vì thế nên đến nay đã có hơn 800.000 phương tiện của doanh nghiệp, người dân đã gắn thẻ E-tag nhưng không sử dụng.

Ông Quyền cho rằng, đứng ở góc độ thị trường, người bán nên đưa ra một số hình thức để người dùng lựa chọn chứ không chỉ đưa ra một cái rồi ép người dùng. Tại sao khi tôi mua thì lại không có nhiều phương thức lựa chọn, chẳng hạn như phải có phương thức trả trước, có phương thức trả sau.

Theo tính toán của Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, phí đường bộ hiện nay là chi phí đáng kể trong vận tải đường bộ. Đối với phương tiện kinh doanh vận tải đường dài Bắc - Nam, hiện chi phí giao thông, không tính phí bảo trì, chiếm từ 10-12% doanh thu, chi phí này đứng thứ hai sau chi phí về nhiên liệu.

“Trong điều kiện các đơn vị kinh doanh vận tải rất khó khăn, đầu tư mua sắm phương tiện, áp lực lãi vay ngân hàng…, nếu như chúng ta chỉ dùng 1 phương thức như hiện nay là các đơn vị sử dụng đường phải chuyển tiền trước, đồng nghĩa với các doanh nghiệp vận tải phải vay tiền. Với những doanh nghiệp nhiều xe, đây là số tiền lớn. Một chuyến xe từ phía Nam ra Lạng Sơn, nếu xe lớn thì mất cả chục triệu, với doanh nghiệp có cả trăm đầu xe, số tiền chi cho phí đường bộ trong 1 tháng có thể lên đến hàng tỷ đồng”, ông Quyền bày tỏ.

Do vậy, ông Quyền đề xuất nên nghiên cứu hai phương thức là trả trước như đang làm và trả sau. Trả sau thì có hình thức ký hợp đồng, thông báo tài khoản, xe đi qua cứ tích vào rồi doanh nghiệp vận tải sẽ trả. Cách làm này, doanh nghiệp vận tải có giấy tờ để hạch toán được chi phí đầu vào, như hiện nay không hạch toán được.

Kinh nghiệm ở Hàn Quốc cho thấy, các nhà đầu tư cứ đầu tư, giao một đơn vị khác thu phí, 1 doanh nghiệp trúng thầu toàn quốc và phí thu được công khai, minh bạch, sau khi trừ chi phí thì chuyển trả cho nhà đầu tư. Việc thu phí chỉ giao cho 1 doanh nghiệp nhưng có tính cạnh tranh vì có đấu thầu.

Dưới góc độ người dân, anh Vũ Việt Anh (Hà Nội) cho biết, nhận thức được lợi ích của ETC nên anh đã tham gia dán thể E-tag từ khá sớm. Tuy nhiên, một điều bất cập là dù đã nộp tiền, mặc dù cả tháng không đi qua trạm nào, nhưng hệ thống tự động vẫn tự động trừ 10.000 đồng mỗi tháng.

Số tiền ít nhưng anh Việt Anh cảm thấy thoải mái. Do đó, để khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn phương thức thu phí ETC, cơ quan chức năng cần có giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, đây là dự án quan trọng của Bộ Giao thông Vận tải. Lãnh đạo Bộ tuần nào cũng họp tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ. Trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên chỉ đạo hoàn thành các trạm thu phí ở cửa ngõ Thủ đô và các trạm lớn. Từ đó, phấn đấu các trạm còn lại của dự án giai đoạn 2 phải hoàn thành trong năm 2020.

Liên quan việc gắn thẻ trên phương tiện giao thông, trước đây, gắn thẻ miễn phí, nhưng không có chế tài. Theo quyết định mới, sau 31/12/2021, nếu chủ phương tiện mới gắn thẻ sẽ phải mất phí. Mặt khác, phương tiện không dán thẻ hoặc không đủ tiền, trước đây có thể đi vào làn ETC, sau này sẽ chỉ cho đi vào làn hỗn hợp ngoài cùng, cấm vào làn ETC, lái xe vi phạm sẽ có chế tài xử lý. Vì vậy, ông Huy cho rằng, bên cạnh việc tuyên truyền chủ phương tiện chủ động tham gia ETC cùng các chế tài áp dụng sẽ giúp dự án thu phí ETC phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Quang Toàn (TTXVN)
Gần 30.000 lượt xe qua trạm thực hiện thu phí tự động ETC thành công
Gần 30.000 lượt xe qua trạm thực hiện thu phí tự động ETC thành công

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo nhanh với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về kết quả thu phí tự động không dừng ETC qua Trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình sau 2 tuần thực hiện. Cụ thể, từ ngày 10-21/6, đã có 28.615 lượt xe qua trạm thực hiện thu phí tự động ETC thành công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN