Bỏ ‘barie’ chắn tại các trạm BOT để tránh ùn tắc

Theo lộ trình đến hết năm 2019, tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc sẽ bỏ chắn barie và hết năm 2018 sẽ bỏ chắn barie tại tất cả các trạm BOT.

Lộ trình thực hiện

Lộ trình này thực hiện theo Quyết định 07/2017 của Thủ tướng Chính phủ về thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC).

Triển khai lộ trình này, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam – Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT đã đưa ra 3 lộ trình thu giá không dừng.

Giai đoạn 1, thu phí không dừng nhưng vẫn cần barie hiện đang triển khai. Có nghĩa là các trạm thu phí vẫn còn các gờ giảm tốc, barie, chủ phương tiện gắn thẻ Etag di chuyển qua trạm với tốc độ 30 – 40 km/giờ, điều này vẫn mất thời gian. Chủ phương tiện phải nạp tiền vào tài khoản trả trước, barie chỉ mở cửa khi trong tài khoản có tiền.

Giai đoạn 2, bỏ barie nhưng vẫn còn trạm, không cần người ở trạm thu giá mà chỉ có đầu đọc thẻ và đầu thu. Giai đoạn 3 cao có thể bỏ trạm thu giá và lái xe lưu thông với tốc độ trên 100 km/giờ.

Barie chắn tại Trạm thu giá trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Box: “Triển khai thu phí không dừng phải tiến tới không có barie. Đối với hình thức trả tiền sau, trường hợp chủ tài khoản không có tiền trong thẻ vẫn phải được đi qua trạm, nhưng phải xử lý “nguội”. Toàn bộ thông tin liên quan tình trạng thanh toán của chủ thẻ phải được lưu trữ trong thẻ của chủ tài khoản để đến khi vào đăng kiểm sẽ kiểm tra được chủ thẻ đó có nợ tiền phí đường bộ hay không. Việc này tới đây cần quy định bằng thông tư hướng dẫn”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết.

Cả nước hiện có 28 trạm thu giá tự động không dừng trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đang ở giai đoạn 1 với phương thức trả trước. Nhà cung cấp dịch vụ ETC mở tài khoản trả trước và chủ phương tiện nộp tiền vào tài khoản để chi trả giá dịch vụ. Tuy nhiên, cả nước hiện có khoảng 3 triệu xe ô tô đang lưu hành, trong khi mới có khoảng 300.000 phương tiện được dán thẻ Etag, chiếm tỷ lệ khoảng 10%. Để bỏ được barie, cần 100% lái xe phải dán thẻ thu phí không dừng.

“Theo đề án thu phí không dừng, Bộ GTVT yêu cầu đến hết năm 2019, Công ty TNHH MTV VETC (đơn vụ cung cấp dịch vụ ETC) sẽ hoàn thành dán thẻ miễn phí cho khoảng 2 triệu xe để đảm bảo lộ trình thu tiền. Vì vậy, VETC kiến nghị cần bổ sung quy định chủ xe phải có tài khoản giao thông và phải dán thẻ Etag  khi sửa Luật Giao thông đường bộ, nhằm cụ thể hóa luật vào thực tế”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc VETC cho hay.

Kiểm soát phương tiện nộp tiền bằng “phạt nguội”


Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Công ty Giải pháp công nghệ thông tin FPT, phương thức trả trước bắt buộc chủ phương tiện phải có tiền trong tài khoản để khi qua trạm barie mới mở. Trong trường hợp trả sau, tài khoản không có tiền phải có hệ thống tương tự hệ thống giám sát xử lý vi phạm để ghi lại biển số, ngày, giờ phương tiện qua trạm và phải được kết nối với tài khoản của ETC. Do đó, cần phải có sự kết nối dữ liệu giữa cơ quan đăng kiểm, đăng ký phương tiện, hệ thống các trạm thu phí và hệ thống xử lý vi phạm để kiểm soát phương tiện chạy qua mà chưa trả tiền.

Còn theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, để thực hiện lộ trình bỏ barie, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào kiểm soát phương tiện phải đủ mạnh để nhận diện được tốc độ xe chạy lên đến trên 100 km/giờ, thay vì tốc độ nhận diện 40 - 50 km/giờ như hiện nay. Tại nhiều nước đang triển khai thu giá không dừng ở một số làn nhất định và vẫn áp dụng song song thu giá không dừng và một dừng để phục vụ đa dạng nhu cầu chủ phương tiện. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ kiến nghị Bộ GTVT vẫn giữ lại 1 làn thủ công.

“Để đảm bảo công bằng đối với phương tiện trả tiền trước và sau, kiểm soát chặt việc thu phí và hạn chế xe không chính chủ và xe đi mượn, thì  cách hữu hiệu nhất là thông qua cơ quan đăng kiểm và hình thức “phạt nguội” của lực lượng cảnh sát giao thông. Khi đó, phương tiện đi đăng kiểm sẽ bị truy thu. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này cần phải thể chế hóa”, ông Thắng đề xuất.

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu báo cáo 3 phương án đối với BOT Cai Lậy
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu báo cáo 3 phương án đối với BOT Cai Lậy

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải vừa cho biết, Bộ đã có công văn yêu cầu các cục, vụ nghiên cứu, báo cáo về phương án xử lý đối với BOT Cai Lậy trước ngày 22/12/2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN