Trước thềm hội nghị, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Thưa Bộ trưởng, hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp sẽ diễn ra vào ngày 9/5 được xem như hội nghị Diên Hồng và cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm và mong đợi, nhất là trong bối cảnh khôi phục nền kinh tế trước đại dịch COVID-19. Vậy, Bộ trưởng đánh giá thế nào và sẽ đưa ra kiến nghị gì tại hội nghị này?
Hội nghị ngày mai 9/5 là cuộc gặp rất quan trọng của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo bộ ngành với cộng đồng doanh nghiệp.
Có lẽ đây cũng là cuộc gặp đầu tiên và quy mô lớn trên toàn quốc giữa cộng đồng doanh nghiệp với người đứng đầu Chính phủ kể từ khi COVID-19 bắt đầu xuất hiện.
Đặc biệt trong bối cảnh hậu COVID-19, Thủ tướng yêu cầu giãn cách xã hội và đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, làm sao hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong khôi phục hoạt động đầu tư kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Cuộc gặp này có nhiều nội dung quan trọng, trước hết là có cơ hội để khu vực Nhà nước và doanh nghiệp đánh giá cụ thể, đẩy đủ, toàn diện tác động dịch COVID-19 đến ảnh hưởng kinh tế - xã hội và cộng đồng doanh nghiệp.
Thời gian qua, không ít doanh nghiệp đã chịu tổn thất nặng nề, đứng trước nguy cơ phá sản, thậm chí đã phá sản gây ra ảnh hưởng sâu rộng đối với chuỗi cung ứng, người lao động và đời sống kinh tế và người dân.
Vì vậy, để có nhìn nhận đánh giá tổng thể khách quan, nhiều chiều tác động COVID-19 với doanh nghiệp để xác định cơ hội, mục tiêu và yêu cầu mới cho doanh nghiệp cũng như Chính phủ để cùng đồng hành khởi động, kích hoạt hoạt động nền kinh tế ở trạng thái bình thường mới.
Đặc biệt, dịch COVID-19 vẫn còn và tiếp diễn nhưng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng quốc tế đang được đạt ra rất nghiêm túc.
Vì vậy, cần cập nhật và đánh giá đầy đủ nguy cơ, cơ hội, nhiệm vụ đặt ra cho khởi động kinh tế; trong đó quan hệ hợp tác quốc tế và hội nhập có nhiều nội dung nền tảng rất quan trọng.
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá lại thông qua tiếng nói và nhận xét của cộng đồng doanh nghiệp về chính sách và điều hành của Chính phủ trong thời gian vừa qua.
Hơn nữa, qua đây để lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp từ thực tiễn cuộc sống để xác định mục tiêu, nhiệm vụ trong ngắn hạn và dài hạn để thích ứng với hoàn cảnh mới.
Từ những đối thoại và trao đổi với doanh nghiệp, các bộ, ngành cũng sẽ rà lại và định vị lại vai trò cũng như vị trí của mình trong tổng thể kế hoạch của Chính phủ nhằm đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường.
Với Bộ Công Thương sẽ tập trung lắng nghe doanh nghiệp từ thực tiễn doanh nghiệp vướng mắc cũng như có những cơ hội để tiếp tục trao đổi và cụ thể hoá nhằm thống nhất giữa Bộ Công Thương với các bộ, ngành dưới sự điều hành của Chính phủ đảm bảo chương trình, kế hoạch, giải pháp của Bộ Công Thương, ngành công thương gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế về đầu tư, sản xuất và kinh doanh.
Tại Hội nghị, Bộ Công Thương sẽ cùng tiếp tục với bộ, ngành đánh giá lại chính xác những vấn đề đang đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể như các gói hỗ trợ thông qua kênh ngân hàng, tài chính và an sinh xã hội mà Chính phủ đã thực hiện để xem lại các vấn đề đặt ra; trong đó có vai trò của Bộ Công Thương để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã liên tục thực hiện những nhiệm vụ này và phối hợp với các bộ, ngành. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cụ thể hóa trong bối cảnh mới, giai đoạn mới. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng ưu tiên đi vào trọng tâm giải quyết từng khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp.
Câu chuyện khôi phục lại nguồn cung mà Việt Nam tham gia từ chuỗi cung ứng của điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ, hay những sản phẩm chế biến chế tạo… là những vấn đề Bộ Công Thương đã nghiên cứu và đang hoạch định lại chính sách bao gồm cả những giải pháp ngắn và dài hạn.
Trước mắt, tối đa hoá thị trường nguồn cung nhằm khôi phục lại nguồn cung hiện hữu và có nhu cầu cao. Chẳng hạn như sản phẩm công nghiệp phụ trợ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN…và tranh thủ tối đa điều kiện hiện nay trong việc mở cửa lại nền kinh tế để tiếp tục duy trì và đảm bảo hiệu quả chuỗi cung ứng.
Thế nhưng, có những chính sách lâu dài mang tính chiến lược đó là câu chuyện sàng lọc xác định lĩnh vực ưu tiên, tập trung phát triển cơ chế chính sách mới thông qua nguồn thu hút nguồn đầu tư xã hội và đặc biệt là nguồn đầu tư của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
Ngoài ra, một vấn đề lớn nữa là tạo điều kiện ổn định nguồn lực sản xuất, đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp phải thực thi kịp thời và đầy đủ chặt chẽ, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh để từ đó cụ thể hoá yêu cầu, tiêu chí trong các hoạt động.
Đây cũng là vấn đề Bộ Công Thương sẽ là việc với các cơ quan chức năng, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để tạo dựng ra khung khổ đó nhằm đảm bảo hiệu quả chung tron nhiệm vụ kép vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa đưa nền kinh tế hoạt động bình thường. Cùng với đó là việc khơi thông thị trường, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thời gian qua, thị trường trong nước đã chứng tỏ được sức mạnh như một trụ đỡ chống lại dịch COVID-19. Tuy nhiên, vẫn còn dư địa rất lớn về thị trường 100 triệu dân là cơ hội làm tốt hơn nữa và cần phải triển khai ngay.
Vì vậy, những biện pháp và cơ chế chính sách về nguồn lực của Nhà nước cần tập trung khẩn trương hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng thương mại, nhất là chợ đầu mối, trung tâm thương mại lớn, chợ tại nông thôn và miền núi khó khăncần có những Chỉ thị của Thủ tướng để người dân khu vực này được quan tâm, cải thiện từng bước, đóng góp luân chuyển hàng hoá, tăng trưởng thương mại nội địa, đảm bảo đời sống và kiểm soát CPI.
Mặt khác, cần ban hành ngay những có chế chính sách thúc đẩy cơ chế liên kết và kết nối trong khung khổ chuỗi cung ứng, giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối với ngân hàng. Đây vẫn là điểm yếu mà khâu trung gian còn hạn chế, còn lỏng lẻo và chưa có sự bền vững.
Vì vậy, phải có ngay những cơ chế đặc thù để đảm bảo thúc đẩy cơ chế liên kết, kể cả bằng những công cụ của kinh tế thị trường lẫn khung khổ luật pháp trong điều hành.
Bộ Công Thương nhận thấy cần khẩn trương thúc đẩy hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đổi mới công nghệ về thương mại nội địa, nền tảng công nghệ số, đẩy nhanh phát triển hạ tầng thương mại điện tử cũng như vai trò của doanh nghiệp thương mại điện tử cũng như đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng trong đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại.
Đồng thời, hỗ trợ cơ chế và nguồn lực giúp doanh nghiệp thương mại điện tử, hạ tầng thương mại điện tử đổi mới công nghệ, phát triển mạnh các mô thức và hình thức mới. Đây là nền tảng quan trọng cho thương mại nội địa và thương mại xuyên biên giới để Việt Nam phát triển mạnh mẽ hậu COVID-19.
Với thị trường ngoài nước, độ mở nền kinh tế hơn 200% và năng lực sản xuất vượt xa nhu cầu nội địa nên yếu tố sống còn cho phát triển bền vững là đảm bảo khai thông thị trường ngoài nước.
Bằng những giải pháp ban đầu, Việt Nam đã làm tốt việc duy trì xuất nhập khẩu với các thị trường quan trọng như Trung Quốc, EU, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Mặc dù quý I/2020, Việt Nam chịu tác động xấu nhưng tăng trưởng thương mại vẫn đạt 1,8%, song không phải thoả mãn mà phải nhìn rõ thách thức bởi cầu đang giảm, đặc biệt là suy thoái kinh tế cho thấy nguy cơ lớn của xuất khẩu Việt Nam.
Hơn nữa, Việt Nam cũng phải đối mặt với việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu, với sự tham gia nhà sản xuất, xuất khẩu ở nhiều khu vực.
Nhưng dù ở mức độ nào, quan hệ thương mại và hợp tác trên nền tảng quan hệ sâu rộng của các Hiệp định CPTPP, EVFTA, quan hệ với Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Australia… là cơ hội quan trọng gia tăng xuất khẩu và tái cơ cấu nền kinh tế nâng cao hiệu quả gắn với bước đi phù hợp.
Để cụ thể hơn trong vai tham mưu cho Chính phủ vừa lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, theo Bộ trưởng cần làm gì để hài hoà giữa chính sách và ý kiến của doanh nghiệp?
Tương tác của Chính phủ và doanh nghiệp phải có sự phối hợp, phản hồi trên cơ sở phát huy tính chủ động.
Hơn ai hết, các doanh nghiệp là người hiểu rõ nhất yêu cầu của mình và những tác động từ chính sách của Chính phủ với những ngành của họ. Ngược lại, Chính phủ cũng muốn nghe những ý kiến đánh giá nhận xét khách quan, toàn diện từ doanh nghiệp.
Chính vì vậy, tại hội nghị ngày mai tinh thần đặt ra rất rõ phải thẳng thắn, khách quan, toàn diện nhưng lại rất cụ thể. Đồng thời phải mang tính toàn diện để hai bên cùng tương tác trao đổi những vấn đề lớn và nóng, cần thiết, cấp bách trong phát triển của đất nước và doanh nghiệp.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần đặt mình vào tâm thế mới để đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng phải hiểu đúng, hiểu rõ vai trò trách nhiệm. Bởi nếu nhìn theo quan niệm cũ, khung khổ cũ sẽ rất khó để có sự bứt phá vượt lên để hỗ trợ cho doanh nghiệp giúp Việt Nam vươn lên sau đại dịch.
Bộ Công Thương đã liên tục cập nhật chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để cụ thể hoá yêu cầu, nhiệm vụ cho từng bộ máy tổ chức trong bộ, nhất là hướng tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên tới đây, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể cho điều hành và hoạt động phục vụ chỉ đạo của Thủ tướng nhằm đưa kinh tế trở lại bình thường để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như an sinh xã hội cho người dân.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!