Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, vừa qua sự phối hợp giữa cơ quan khí tượng thủy văn, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rất nhịp nhàng, bảo đảm an toàn đê đập, hạ du, sinh kế, tài sản, tính mạng của nhân dân khu vực hạ du và an toàn khu vực Thủ đô Hà Nội.
Việc vận hành liên hồ chứa thủy điện Lai Châu, Thủy điện Sơn La và Thủy điện Hòa Bình đã bảo đảm cân bằng 3 mục tiêu vừa cấp nước, vừa cắt lũ và phát điện. Đây là lần đầu tiên Nhà máy Thủy điện Hòa Bình xả lũ trước thời điểm mùa lũ. Qua đó chủ động, cũng như có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phản ứng kịp thời với thời tiết ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tiếp tục chủ động để ứng phó với thiên nhiên, dự báo kịp thời và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp liên quan về vận hành liên hồ chứa, bảo đảm an toàn cao nhất việc cắt lũ, xả lũ trong mọi tình huống...
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ đạo, các cơ quan chức năng cần tăng cường thiết bị theo dõi giám sát việc đóng mở các cửa xả đáy thủy điện nhịp nhàng, thông suốt. Bên cạnh đó, đưa ra các kịch bản phân tích các dữ liệu, nhằm chủ động chính xác hơn, kịp thời hơn trong phòng chống thiên tai... trong mùa mưa bão; có các phương án kịp thời, kể cả trong đêm tối để huy động tốt nhân lực, vật lực ứng phó...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ đề xuất, để đảm bảo việc phòng chống thiên tai của địa phương đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai chỉ đạo trong việc tính toán thời gian mở, đóng các cửa xả và đặc biệt việc đóng cửa xả để đảm bảo việc mực nước hạ lưu không biến đổi đột ngột gây nguy hiểm cho hạt tầng cơ sở, nhà ở, bờ bãi sông có thể bị sạt lở.
Bên cạnh đó, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình thường xuyên cập nhật thông tin tổng hợp báo cáo về tình hình triển khai việc đảm bảo an toàn khi Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình xả lũ.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng thông báo kịp thời đến UBND các xã, phường, xã, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thời gian xả lũ đập thủy điện Hòa Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Đáng lưu ý tại các khu vực như làng vạn chài (chân cầu Hòa Bình 3), sạt lở tổ 15, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình, cầu Ngòi Mại (Km8+310) đường tỉnh 445... Đồng thời, yêu cầu các xã, phường thuộc vùng hạ lưu đập thuỷ điện Hòa Bình bị ảnh hưởng khi đập thủy điện Hòa Bình xả lũ, thông báo thời gian xả lũ đập thủy điện Hòa Bình trên hệ thống loa phát thanh để người dân biết, chủ động phòng tránh.
Nhà máy thủy điện Hòa Bình khi mở 5 cửa xả đến thời điểm 7h 00 ngày 17/6/2022 mực nước giao động trong khoảng 18,03m, chênh lệch so với 7h ngày 12/6 là 6,23m (ngày 12/6 11,8m), thấp hơn báo động I là 1,97m (báo động I 20m); lưu lượng về hồ là 7.344 m3/s, lưu lượng xả 10.464 m3/s (xả qua cửa 8.033 m3/s, xả qua tổ máy 2.411 m3/s).
Để đảm bảo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đọa Quốc gia về Phòng chống thiên tai vừa có Công văn số 08/CĐ-QG lệnh Công ty Thủy điện Hòa Bình thực hiện đóng 1 cửa xả đáy vào hồi 16h00, ngày 17/6.