Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Vicem cần quan tâm đến quản trị, tinh giản bộ máy

Ngày 3/4, phát biểu tại buổi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem); Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ lưu ý những đóng góp của ngành Xi măng đối với sự tăng trưởng chung của đất nước còn khiêm tốn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng rất quan tâm đến sự đóng góp của ngành Xi măng Việt Nam, trong đó trụ cột là Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, với sự tăng trưởng của đất nước. Mặc dù hiện nay thị phần trong nước của Vicem đang chiếm 35% – 36%, thị phần mà Vicem liên doanh với các Tổng Công ty khác khoảng 25% – 26% nhưng trên thực tế, trong khi tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng năm 2017 khá cao, đạt 8,7% , tỷ trọng đóng góp của ngành Xi măng chỉ 2%, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. “Như vậy đóng góp còn ở mức độ khiêm tốn”, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.

Nhắc đến vấn đề củng cố bộ máy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý Vicem quan tâm đến vấn đề quản trị, sắp xếp lao động hướng tới hiệu quả và tiết kiệm nhân lực, nhân công, tinh giản bộ máy. Ví dụ được Bộ trưởng đưa ra là hiện nay, bình quân một ngày một công nhân lao động của Tổng Công ty sản xuất 7,5 tấn xi măng, một năm sản xuất 2.340 tấn. Nếu sản xuất 3,6 triệu tấn xi măng/năm phải cần tới 1.500 người; trong khi đó, với nhà máy xi măng liên doanh, một lao động sản xuất được 11 tấn xi măng/ngày. Cùng là một nhà máy công suất 3,6 triệu tấn/năm, các liên doanh này tiết kiệm được 433 người.

Bên cạnh đó, Vicem cần có hệ thống quản lý chặt chẽ hơn, nâng cao hiệu quả đầu tư, quan tâm đến trả nợ vốn vay, để dòng vốn quay vòng đầu tư hiệu quả, tiết kiệm chi phí, dành phần thanh toán trả nợ. Tổng Công ty cần nâng cao hiệu quả, tăng sản lượng, hướng tới xuất khẩu. “Thủ tướng đặt vấn đề là các sản phẩm xi măng phải có chất lượng, có thương hiệu và hướng tới xuất khẩu. Vừa qua, xuất khẩu rất nhiều nhưng làm sao giá phải cao, chiếm lĩnh được thị trường và ổn định thị trường. Đây là cuộc cạnh tranh rất quyết liệt với xi măng của tư nhân”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc Vicem trong công tác quản lý, quản trị phải có chiến lược lâu dài để phát triển ngành Xi măng, nhất là vấn đề tiết kiệm nguyên liệu. “Có những núi chất lượng đá rất tốt mà không sử dụng vào sản xuất xi măng, lại san lấp, làm đường, có những chỗ không cần thiết chất lượng đá như vậy. Vậy vấn đề quản lý nguyên liệu, tài nguyên khoáng sản thế nào, ngay trong Tổng Công ty, trong ngành cũng làm sao đó tiết kiệm tài sản, nguyên liệu cho đất nước, để có chiến lược quản trị bền vững hơn”, Bộ trưởng lưu ý và cho rằng tài nguyên là hữu hạn, nếu không có giải pháp lâu dài căn cơ sẽ không đảm bảo phục vụ cho sản xuất lâu bền.

Vấn đề phát triển ngành Xi măng, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0 với những đòi hỏi về tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; công tác quản trị điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, quản lý đất đai, tài sản, tạo chuỗi liên doanh, liên kết; xử lý môi trường cũng là những nội dung Thủ tướng quan tâm được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt tại buổi kiểm tra.

Cũng tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận Vicem đi đầu trong chế biến sâu, ứng dụng công nghệ sử dụng phế thải của ngành công nghiệp xi măng, tiết kiệm sỉ nhiệt điện, tro bay. Bộ trưởng nhấn mạnh “với gần 120 năm truyền thống xây dựng và trưởng thành của ngành Xi măng, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam là trụ cột, cần có bước đi, chiến lược lâu dài”.

Giải trình của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vicem Lương Quang Khải cho thấy, năng suất lao động của các nhà máy liên doanh rất cao, có những nhà máy công suất vài triệu tấn nhưng chỉ có 500 người. “Nếu mình không giải quyết vấn đề tăng năng suất lao động sẽ không thể cạnh tranh được. Có những nhà máy trong Tổng Công ty đã làm được điều này như Xi măng Bình Phước, 2,3 triệu tấn/500 con người. Nhưng hiện nay, Vicem có 14 nghìn cán bộ nhân viên để sản xuất 26 triệu tấn mỗi năm”, ông Lương Quang Khải cho hay. Theo Chủ tịch Vicem, mục tiêu của Vicem là giảm số lao động của nhà máy có công suất từ 2 – 3 triệu tấn xuống còn khoảng 800 người.

Tổng Giám đốc Vicem Bùi Hồng Minh cho biết, một số dự án đầu tư và xây dựng Vicem đã và đang đầu tư còn nhiều bất cập, dẫn đến chậm tiến độ như tòa nhà Vicem trên đường Phạm Hùng, dự án gạch không nung - Nghệ An. Hiện nay đang dừng để nghiên cứu chuyển đổi hướng đầu tư hoặc chuyển nhượng thu hồi vốn. Nguyên nhân chậm là chưa tính hết các yếu tố khách quan về thị trường, đặc biệt Vicem không có nhiều kinh nghiệm đầu tư bất động sản thuộc các ngành nghề khác. Vicem đã nhận thức được sự yếu kém, tồn tại này và đang giải quyết theo các chỉ đạo của Bộ Xây dựng.

Năm 2015, Vicem được giao nhiệm vụ tiếp nhận và tái cơ cấu toàn diện xi măng Hạ Long trên tinh thần “doanh nghiệp tự tái cấu trúc”. Từ 2016, sau khi chuyển từ Tổng Công ty Sông Đà về Vicem, Xi măng Hạ Long đã và đang từng bước thực hiện tái cấu trúc toàn diện. Đến nay, công ty đã có lãi, đủ dòng tiền trả nợ cho nước ngoài. Tổng Công ty cơ cấu vốn chủ sở hữu thông qua hình thức phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ để trả các khoản Bộ Tài chính trả nợ thay (giai đoạn 1 đã trả Bộ Tài chính 480 tỉ đồng, tương đương 22 triệu Euro cho quỹ tích lũy trả nợ). Mặc dù phải nhiều năm Xi măng Hạ Long mới bù hết lỗ lũy kế nhưng từ khi về Vicem, Công ty đã sản xuất và kinh doanh vượt công suất thiết kế, có đủ dòng tiền trả nợ, tránh nguy cơ mất cân đối tài chính.


Về công nợ nội bộ Vicem trong những năm qua còn cao, ít nhiều có hiện tượng chiếm dụng vốn lẫn nhau. Sau khi có kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, Vicem đã thiết lập lại kỷ cương và đã giảm được công nợ nội bộ, từ hơn 900 tỉ đến nay chỉ còn hơn 300 tỉ đồng.

Đặt vấn đề tại sao lại tăng sản lượng khi cung đang thừa, khi tăng sản lượng, chỉ số tài chính thay đổi như thế nào, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tăng trưởng không phải là tăng về lượng mà là tăng giá trị gia tăng.

“Tăng lượng nhiều khi làm chúng ta mất tài nguyên chứ không phải tăng trưởng. Phải nhìn vào lợi nhuận, tiền lương của chúng ta tăng như thế nào. Nếu muốn đóng góp vào tăng trưởng nền kinh tế, chúng ta phải tăng hiệu quả chứ không phải tăng sản lượng bao nhiêu tấn. Xi măng chúng ta rẻ hơn các nước, có phải tài nguyên chúng ta đang khai thác và sử dụng rẻ không? Chúng ta phải xem lại điểm này. Nhìn lại thì thấy bán rẻ tài nguyên của chúng ta”, ông Cung nói.

Ông cũng cho rằng khi giá cả cao lên phải bán giá cao, giá tăng lên bắt bán giá thấp là làm méo mó thị trường. “Nói doanh nghiệp là công cụ ổn định thị trường là làm méo mó chứ không phải làm ổn định tính thị trường. Doanh nghiệp là phải đi kiếm lợi nhuận, không làm thay nhà nước ổn định thị trường”.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Thị trường xi măng trông chờ gam màu sáng năm 2018
Thị trường xi măng trông chờ gam màu sáng năm 2018

Bài toán xuất khẩu xi măng đang được thực hiện để cân đối nguồn hàng sản xuất. Mặc dù vậy, thách thức phía trước dành cho ngành xi măng vẫn rất lớn, nhất là khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các nước trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN