Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đang kỳ vọng ngày 4/1/2021 sẽ có báo cáo an toàn thứ 13 của Tư vấn ACT (Pháp). Sau khi có báo cáo này, nếu đạt, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cùng UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan tiến hành nghiệm thu có điều kiện và bàn giao cho Hà Nội. Những hạng mục đã hoàn thiện và được đánh giá an toàn sẽ bàn giao, còn các hạng mục khác sẽ tiếp tục hoàn thiện theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Sau khi Bộ Giao thông Vận tải bàn giao, UBND TP Hà Nội có thể tiếp tục vận hành và đánh giá thêm hoặc tiến hành vận hành thương mại. Hiện vấn đề an toàn hệ thống được tư vấn Pháp đánh giá là tương đối tốt”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giao thông vẫn không loại trừ khả năng tư vấn cần tiếp tục đánh giá thêm.
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được chính thức chạy thử toàn hệ thống từ ngày 12/12/2020, quá trình này kéo dài dự kiến là 20 ngày, để tư vấn độc lập thực hiện đánh giá an toàn hệ thống. Đây là điều kiện tiên quyết để dự án được nghiệm thu và đưa vào sử dụng thương mại.
Trước đó, tháng 9/2012, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã cấp kiểm định chính thức cho 13 đoàn tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông và các hạng mục liên quan.
Hiện phía UBND TP Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng nhân sự, kỹ thuật, phương án khai thác để khi tiếp nhận lại dự án Cát Linh – Hà Đông có thể vận hành khai thác ngay, đảm bảo hiệu quả, liên thông với các phương tiện công công khác.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông có tuyến chính dài hơn 13 km đi trên cao, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, vận tốc thiết kế 80 km/h và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (hơn 20.000 tỷ đồng).
Ban đầu dự án dự kiến đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi tiến độ, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa đưa vào khai thác thương mại.