Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam đang trên đường "bứt tốc" tăng trưởng trở lại sau đại dịch COVID-19 nhất là khi triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Để có cái nhìn rõ hơn về sự phục hồi kinh tế trong 6 tháng qua, TTXVN thực hiện chùm 4 bài “Bứt tốc tăng trưởng” ghi nhận từ thực tế tăng trưởng kinh tế ở một số ngành, lĩnh vực và địa phương.
Bài 1: Trên quỹ đạo phục hồi
Sản xuất công nghiệp, dịch vụ tăng mạnh; số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao; nhiều địa phương tăng trưởng trở lại... Trong khi đó, trước những khó khăn bên trong và bên ngoài nhưng tình hình kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát không quá cao, công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực... Đây là những tín hiệu khả quan minh chứng nền kinh tế Việt Nam đang trên đường "bứt tốc" tăng trưởng trở lại nhờ những dấu ấn nổi bật từ vai trò điều hành của Chính phủ.
Tín hiệu phục hồi rõ nét
Công ty CP may Việt Thành, huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre, những ngày này không khí sản xuất kinh doanh trở nên tấp nập. Thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý cuối năm do thị trường nhập khẩu chính là Mỹ và EU đã mở cửa trở lại, đặc biệt là Việt Nam đã có chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Hiện hầu hết số lượng lao động của doanh nghiệp đã đi làm trở lại nhưng vẫn chưa đáp ứng được cho nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh. Để đáp ứng được các đơn hàng, doanh nghiệp đã tổ chức chia ca sản xuất nhằm đẩy mạnh công suất.
Không chỉ doanh nghiệp Việt Thành ở trên, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang phục hồi sản xuất mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy lĩnh vực sản xuất kinh doanh nói chung trên cả nước.
Ông Dương Thanh Khang, Phó Tổng giám đốc Cảng Thị Vải cho biết, từ đầu năm nhờ dịch bệnh được kiểm soát và mở cửa nền kinh tế cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nên hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp đã sôi động trở lại. Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phục hồi nhờ việc hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đang ngày càng rõ rệt hơn.
Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%, đóng góp 48,33% trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế; khu vực dịch vụ tăng 6,60%, đóng góp 46,60%; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%.
Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp- xây dựng ở Bắc Giang còn tăng 35,5%, Bắc Ninh là 17,4%, Hải Phòng gần 12%, - đây là các địa phương chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh vào cùng kỳ năm ngoái cho thấy rõ bức tranh phục hồi kinh tế trên cả nước.
Trong khi đó, tại đầu tàu kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sản xuất hàng hóa, xuất khẩu đều tăng trưởng trở lại là những tín hiệu cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế TP Hồ Chí Minh sau dịch bệnh, đóng góp vào bức tranh kinh tế chung của cả nước. Các ngành công nghiệp chủ yếu của Thành phố như công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số tăng cao hơn so với bình quân toàn ngành cho thấy đây là những ngành động lực góp phần phát triển kinh tế địa phương. Riêng trong tháng 6, ở lĩnh vực thương mại và dịch vụ đạt 99.657 tỷ đồng, tăng 41,1% và 6 tháng đầu năm đạt 556.488 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Một dấu hiệu khác cho thấy tín hiệu phục hồi kinh tế rõ nét hơn là trong 6 tháng số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất cùng kỳ 5 năm qua. Trong 6 tháng, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước; gần 40,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 55,6%. Bình quân một tháng có 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, thu hút đầu tư toàn TP Hồ Chí Minh cả đầu tư tư nhân và FDI đều tăng. Số doanh nghiệp trở lại hoạt động và số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại TP Hồ Chí Minh đều tăng khá cao so với cuối năm 2021. Trong khi số lượng doanh nghiệp giải thể và phá sản giảm mạnh.
Ở khía cạnh khác, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 10,06 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Đặc biệt, tuy quỹ đạo phục hồi kinh tế bước vào giai đoạn bứt tốc nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
Những con số tăng trưởng về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ... trong 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang trong quỹ đạo phục hồi.
Sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+, ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững chắc. Cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia kỳ vọng các chính sách điều hành sẽ thực chất, phát huy tốt hơn nữa lợi thế Việt Nam đang có để đưa nền kinh tế tăng trưởng một cách bền vững.
Dấu ấn điều hành
Có được những kết quả trên, thể hiện vai trò điều hành của Chính phủ trong việc chỉ đạo triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số /NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19...
Riêng về triển khai Chương trình phục hồi kinh tế, đến nay Chính phủ đã ban hành 6 nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất; 3 quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 Quyết định để cụ thể hóa các chính sách phục hồi và phát triển.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội; giải ngân vốn đầu tư công; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp thị sát, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, như Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, nhiệt điện Long Phú 1...; làm việc với nhiều địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển.
Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có 3 công điện thúc các bộ, ngành sớm trình những chính sách để triển khai. Thậm chí, ngay việc giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu Chính phủ cũng ra quyết định thành lập 6 tổ công tác để đôn đốc từng nơi ì ạch, chậm tiến độ.
Theo ông Trần Anh Tuấn, gói hỗ trợ trong chương trình phục hồi kinh tế đã và đang được TP Hồ Chí Minh triển khai tích cực. Các doanh nghiệp cũng nhận được sự hỗ trợ từ chương trình như: Đối với doanh nghiệp bị thiệt hại nhiều từ dịch bệnh được xem xét hỗ trợ vốn duy trì chuỗi cung ứng lao động; hay các chương trình tín dụng của ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Ông Kiêu Văn Trọng, đại diện Công ty cổ phần May Việt Thành cho biết, từ đầu năm đến nay công ty nhận được nhiều sự hỗ trợ của Chính phủ từ Chương trình phục hồi kinh tế như hỗ trợ lãi suất, giảm thuế VAT và các chính sách bảo hiểm với người lao động. Nhờ vậy, công ty đã nhanh chóng khôi phục được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình khu vực và thế giới diễn biến khó lường, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là xăng, dầu tăng cao, tác động từ tình hình xung đột Nga-Ukraine, chính sách của các quốc gia sau dịch COVID-19. Cùng với đó là sức ép lạm phát tăng mạnh.
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát đang gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới do giá năng lượng, lương thực trên toàn cầu tăng mạnh đã tác động dây chuyền đến giá cả các hàng hoá dịch vụ khác…
Mặc dù vậy, theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nếu thực hiện nhịp nhàng giữa chính sách tài khoá và tiền tệ thì vẫn có thể kiểm soát được lạm phát trong khuôn khổ cho phép và khi kiểm soát được lạm phát, ổn định vĩ mô thì tăng trưởng kinh tế kỳ vọng đạt mục tiêu.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách được ban hành kịp thời giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như: giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 01/4/2022.
Mới đây, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan liên quan điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, 6 tháng cuối năm vẫn cần rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế.
Riêng đối với Chương trình phục hồi kinh tế ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, để Chương trình phục hồi kinh tế triển khai hiệu quả, đòi hỏi các bộ ngành, địa phương cần có sự phối hợp, cụ thể hóa các chính sách.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, để Chương trình thực sự là ‘phao cứu sinh’ giúp phục hồi và vực dậy nền kinh tế, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. Bản thân mỗi doanh nghiệp trước hết tự thay đổi để thích ứng với thay đổi trong bối cảnh mới. Doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới.
Đối với Chương trình phục hồi kinh tế, để tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương xác định đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Các cấp, các ngành để đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm đưa chính sách đi vào cuộc sống; theo dõi sát sao, kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Bài 2: Sức bật từ "bình oxy" đầu tư công