Theo đó, tỉnh cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 187 triệu USD; điều chỉnh cho 101 lượt dự án FDI; có 21 lượt dự án FDI tăng vốn đầu tư với tổng số vốn tăng thêm gần 106 triệu USD.
Các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cũng thu hút vốn đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) trên 3.955 tỷ đồng; trong đó, cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 852 tỷ đồng; điều chỉnh cho 11 lượt dự án; có 5 dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm trên 3.103 tỷ đồng.
Để đạt được những kết quả trên, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương đã tích cực hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, giải quyết kịp thời các thủ tục về quy hoạch và xây dựng. Ban quản lý cũng quyết liệt thực hiện cải cách hành chính như: áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO 9001:2015 đối với các thủ tục hành chính trong xử lý công việc cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đúng quy định.
Ban Quản lý còn phối hợp với Trung tâm hành chính công để niêm yết công khai, rõ ràng, đầy đủ, chính xác 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết và đăng tải đầy đủ lên Cổng thông tin dữ liệu thủ tục hành chính của tỉnh và trên website của Ban.
“Sau khi tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, cán bộ chuyên môn phải nghiên cứu, hướng dẫn và trả lời ngay doanh nghiệp, không chờ đến hết thời hạn như quy định mới thông báo; phấn đấu giảm 1/2 thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương khẳng định.
Tính từ đầu năm đến ngày 7/9, Ban quản lý đã tiếp nhận, thẩm định 201 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư và 100% đã được giải quyết đúng thời hạn và trước thời hạn theo quy định của pháp luật.
Ban quản lý cũng thường xuyên giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp; đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp vận hành ổn định hệ thống công trình bảo vệ môi trường và thực hiện công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định. Ban cũng đã phối hợp, tham gia hội đồng họp cấp giấy phép môi trường cho 34 dự án; thẩm định, tham gia ý kiến thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của 5 dự án đầu tư trong khu công nghiệp; giám sát đấu nối thoát nước của 109 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp…
Trong thời gian tới, để tiếp tục thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Hải Dương - Nguyễn Trung Kiên cho biết, Ban tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho lãnh đạo tỉnh xây dựng định hướng phát triển các khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổng hợp vào quy hoạch tỉnh Hải Dương.
Ban cũng tích cực phối hợp với các sở, ngành, chính quyền các địa phương giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho các nhà đầu tư thi công hạ tầng các khu công nghiệp, tạo ra bất động sản công nghiệp thu hút đầu tư.
Ban cũng thực hiện đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo theo phương châm 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm) trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các nhà đầu tư với tinh thần lấy doanh nghiệp là trung tâm, thực sự đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh doanh. Ban cũng tích cực xúc tiến thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, ưu tiên các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, các dự án công nghiệp hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ lấp đầy diện tích các khu công nghiệp.
Trong thời gian tới, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cũng tăng cường quản lý đầu tư, quy hoạch, xây dựng, lao động trong các khu công nghiệp; tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các doanh nghiệp; chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Hải Dương kịp thời giải quyết; phối hợp, tham mưu tổ chức các buổi đối thoại giữa doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh.
Ban cũng tiếp tục cải cách hành chính, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, thực hiện ISO điện tử gắn với kiểm soát thủ tục hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các lớp dạy nghề; thực hiện cung ứng, giới thiệu việc làm cho người lao động và doanh nghiệp tại các khu công nghiệp; thực hiện tốt dịch vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin, cấp giấy phép cho lao động nước ngoài, các thủ tục liên quan đến cấp giấy chứng nhận đầu tư; thực hiện quan trắc môi trường; tư vấn điều chỉnh tổng mặt bằng xây dựng cho các doanh nghiệp.
Tỉnh Hải Dương đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch gồm 21 khu công nghiệp và 3 khu công nghiệp mở rộng với tổng diện tích khoảng 4.508 ha. Hiện, Hải Dương đã có 17 khu công nghiệp được thành lập; trong đó, có 12 khu công nghiệp đã triển khai đầu tư xây dựng và khai thác kinh doanh, với tổng diện tích quy hoạch là 1.650 ha.
Hiện có 11/12 khu công nghiệp đang hoạt động đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm: hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống thu gom nước mặt, hệ thống thu gom nước thải, trạm xử lý nước thải tập trung được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để truyền dữ liệu 24/24 về Sở Tài nguyên và Môi trường, hệ thống điện, nước, viễn thông…; 1/12 khu công nghiệp đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật theo quy định. Tỷ lệ lấp đầy trung bình các khu công nghiệp đã thành lập khoảng 48,7%.
Đến ngày 7/9/2023, 12 khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã thu hút được 340 dự án đầu tư thứ cấp; trong đó, có 265 dự án FDI thứ cấp đến từ 23 quốc gia và vùng, lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,17 tỷ USD và 75 dự án DDI thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 11.970 tỷ đồng. Có khoảng 260/340 dự án thứ cấp đã triển khai đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (đạt tỷ lệ khoảng 76,5% tổng số dự án thứ cấp trong khu công nghiệp), tạo việc làm cho gần 110.000lao động với mức lương trung bình từ 6,5 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng…