“Cõng” điện sang sông
Trở lại với xóm Đồng Ngành, xã Hợp Đức (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của mảnh đất này. 10 năm về trước, cuộc sống người dân khó khăn do đò giang cách trở. Ông Nguyễn Văn Vui, một trong 65 hộ dân trong xóm, nhớ lại: “Hồi đó, khi vợ chồng tôi sang đây khai hoang làm vườn, nhà nào cũng đèn dầu, hiếm lắm mới có nhà dùng ắc quy. Khi ắc quy hết, phải chèo thuyền sang sông vào trung tâm xã sạc. Nhà tôi làm xay xát phải chạy máy nổ rất vất vả”.
Cuối năm 2009, Đồng Ngành có 43 hộ dân. Đây là những hộ đã rời làng xóm cũ vượt sông, sang vùng đất bãi dựng nhà từ năm 1978 và ở suốt nhiều năm không có điện. Nhận thấy những khó khăn của người dân địa phương, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương (Điện lực Hải Dương) quyết định đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để thực hiện Dự án cải tạo lưới điện với quy mô xây mới đường dây 35kV có chiều dài 1 km, 1 trạm biến áp 50kVA - 35/0,4kV và 43 công tơ 1 pha.
Với quyết tâm cao của toàn ngành, Điện lực Hải Dương đã hoàn thành công trình sau 1 tháng 10 ngày, một kỷ lục thi công thời điểm đó. Không nói hết niềm vui của người dân nơi đây khi thời điểm đóng điện đúng vào dịp Tết Nguyên đán.
Có điện, người dân Đồng Ngành như được “đổi đời”. Trẻ con không còn phải học dưới ánh đèn dầu tù mù. Các hộ gia đình lần lượt sắm tivi, điều hòa, máy giặt, tủ lạnh. Ông Nguyễn Văn Trung, người có gần 30 năm sống ở Đồng Ngành cho biết: “Có điện rồi mới đưa máy móc vào sản xuất được. Trước kia, mọi công đoạn đều làm thủ công. Còn bây giờ, từ làm đất đến phun thuốc trừ sâu, tưới tiêu đều có máy. Đời sống người dân bây giờ phát triển hơn trước quá nhiều”.
Không chỉ trồng cây ăn quả, nhiều nhà trong xóm tranh thủ lúc nông nhàn làm thêm việc thu gom nguyên liệu bèo tây bán cho thương lái làm đồ thủ công mỹ nghệ. Bà Mai Thị Loan, 54 tuổi vui mừng cho biết, trước chỉ làm ban ngày, nay mọi người có thể làm hàng đến đêm khuya.
Giá trị sản xuất nông nghiệp ở Đồng Ngành hiện nay đạt 172 triệu đồng/ha, cao hơn mức bình quân của xã 7 triệu đồng. Kinh tế phát triển, người dân đã cùng chung sức làm đường giao thông, tiến tới sẽ bê tông hóa hơn 4 km đường giao thông theo quy hoạch.
Tương tự, thôn đảo miền núi Tân Lập (thuộc xã Kênh Giang trước kia, nay thuộc phường Văn Đức, thành phố Chí Linh) cũng là một vùng gặp nhiều khó khăn. Đây vốn là một bãi soi bồi tích tụ, sông Kinh Thầy bao bọc xung quanh. Năm 2004, Tân Lập chưa có điện. Thôn có diện tích tự nhiên gần 40 ha với 56 hộ dân, 212 nhân khẩu.
Thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta nhằm nâng cao đời sống, văn hóa cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, năm 2004, Điện lực Hải Dương đã triển khai dự án trọng điểm đưa điện về thôn đảo Tân Lập. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 600 triệu đồng với 2 km đường dây 35kV và 1 trạm biến áp với công suất 75kVA.
Khi triển khai dự án, địa hình phức tạp do đường dây phải kéo qua cánh đồng lúa thuộc xã Lê Ninh (huyện Kinh Môn), rồi vượt qua đê và sông Kinh Thầy; trạm biến áp đặt trên thôn đảo bốn bề sông nước bao quanh. Công trình hoàn thành đầu năm 2005 sau 1 tháng rưỡi thi công có ý nghĩa bước ngoặt với đời sống gần 60 hộ dân Tân Lập. Đây cũng là sự kiện đánh dấu Điện lực Hải Dương chính thức cấp điện tới 100% thôn, khu dân cư trong tỉnh.
Cải thiện chất lượng lưới điện
Cùng với quyết tâm xóa vùng “trắng” điện lưới quốc gia ở vùng khó, ngành điện Hải Dương cũng dành kinh phí nâng cấp đường dây, trạm biến áp, cải thiện chất lượng điện áp những nơi vùng sâu, vùng xa.
Mấy năm qua, nhu cầu điện của người dân thôn Chẹm, xã Bạch Đằng, huyện Kinh Môn ngày càng cao, nhiều khi điện quá tải. Bà Bùi Thị Cúc cho biết, vào mùa hè, điện yếu đến mức quạt không chạy được. Vào khoảng 11 giờ trưa, có hôm không bật được tivi, không nấu được cơm điện.
Đường dây 0,4kV thôn Chẹm đã đưa vào sử dụng từ năm 1989, các tuyến có hiện tượng nhiều cột bê tông tự đúc bị nứt vỡ, không đảm bảo an toàn vận hành. Mặt khác, trên tuyến đường dây 0,4kV của trạm biến áp vẫn sử dụng các dây trần, dây truyền tải tiết diện nhỏ, đoạn đường xa nên gây tổn thất và điện yếu.
Điện lực Kinh Môn đang cấp bách triển khai sửa chữa đường dây 0,4kV sau trạm biến áp Thôn Chẹm nhằm khôi phục năng lực truyền tải của dây dẫn, nâng độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng. Cụ thể, tiến hành sửa chữa đối với 28 cột điện và khắc phục sửa chữa đường dây một số đoạn tuyến, di chuyển hòm hộp công tơ.
Theo ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, hiện nay thôn Chẹm có 60 hộ với trên 100 nhân khẩu. Việc ngành điện đang đầu tư nâng cấp là rất đúng hướng, đáp ứng nhu cầu bức thiết của nhân dân hiện nay.
Không riêng ở Kinh Môn, những năm qua, Điện lực Hải Dương đã triển khai cải tạo, nâng cấp lưới điện cho các nơi như các xã Kênh Giang, Lê Lợi, Hưng Đạo, Bắc An và Hoàng Hoa Thám (thành phố Chí Linh). Khi Điện lực Hải Dương nhận bàn giao lưới điện, ở các xã này, lưới điện đều trong tình trạng cũ nát, đường dây 100% dây trần đi xuyên qua đồi núi, hộp công tơ cũ nát, tổn thất điện năng lớn. Nhiều nơi ở khu vực vùng sâu, chất lượng điện áp yếu.
Sau khi nhận bàn giao lưới điện, Điện lực Hải Dương đã đầu tư cải tạo lưới điện hạ thế các khu vực xã Lê Lợi, Hưng Đạo, Bắc An (năm 2010) và Hoàng Hoa Thám (năm 2014). Từ năm 2010 đến nay, Công ty Điện lực Hải Dương đã bổ sung nhiều trạm biến áp để giảm bán kính cấp điện, nâng cao chất lượng điện năng trên địa bàn các xã này. Cụ thể: bổ sung 8 trạm ở xã Lê Lợi, 3 trạm ở xã Hưng Đạo, 3 trạm ở xã Bắc An, 1 trạm ở xã Hoàng Hoa Thám.
Riêng tại Kênh Giang, năm 2018, Điện lực Hải Dương đã cải tạo thay thế toàn bộ công tơ, hộp công tơ cũ bằng công tơ, hộp công tơ composite, thay dây trần cũ nát bằng cáp bọc vặn xoắn các loại, thay cột cũ bị hư hỏng. Đồng thời, đầu tư cải tạo lại toàn bộ đường dây 0,4kV sau 6 trạm biến áp xã Lê Lợi và 4 trạm xã Bắc An.
Sau khi cải tạo, hiện nay lưới điện hạ thế các khu vực Kênh Giang, Lê Lợi, Hưng Đạo, Bắc An và Hoàng Hoa Thám đã đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và an toàn điện cho nhân dân trong khu vực.
Cùng với việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, các cán bộ, công nhân viên điện lực Hải Dương còn khắc phục mọi khó khăn, để cấp điện an toàn, ổn định cho khu vực nơi vùng sâu, vùng xa. Anh Trần Đình Thiện, đội Quản lý tổng hợp thuộc Điện lực Thanh Hà chia sẻ: Ở những nơi địa hình xa, biệt lập, bị ngăn sông cách nối, việc quản lý vận hành gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những khi mưa bão. Tuy nhiên, hễ có sự cố, đội vẫn bằng mọi biện pháp vượt qua những khó khăn, trở ngại với tinh thần quyết tâm xử lý sự cố nhanh nhất, cấp điện trở lại cho người dân.