Cùng với các chính sách hỗ trợ từ Chương trình phục hồi kinh tế, các doanh nghiệp cảng biển được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 15,5%.
Cùng thời điểm, Cục Hàng hải Việt Nam thống kê sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt gần 371 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, hàng xuất khẩu ước đạt hơn 93 triệu tấn, tăng 2%, hàng nội địa ước đạt hơn 171 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng khối lượng hàng container ước đạt hơn 12,8 triệu TEUs, tăng 1% so với năm 2021.
Dù kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, sản lượng thông quan có phần chậm hơn nhưng giá trị xuất nhập khẩu vẫn giữ tỷ lệ thuận với sản lượng hàng hóa qua cảng biển.
Chuyên gia Bùi Ngọc Châu, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, cơ cấu hàng xuất nhập khẩu thay đổi là nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt trong tăng trưởng của giá trị xuất nhập khẩu và khối lượng thông quan.
Theo đó, các sản phẩm công nghệ như linh kiện điện tử, máy ảnh, điện thoại, máy móc phụ tùng - những hàng hóa có hệ số giá trị cao tiếp tục ghi nhận tăng trưởng cao trong khi các sản phẩm xuất khẩu truyền thống dệt may, da giày, gỗ nội thất có mức tăng trưởng thấp hơn.
Chẳng thế mà chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) liên tục cho thấy tín hiệu cải thiện mạnh mẽ trong thời gian qua.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê công bố chỉ số này trong nửa đầu năm đã tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến - chế tạo tăng 9,7%.
Cùng với đó, số dự án đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 8,84 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký trong nửa đầu đầu năm.
Dưới góc nhìn của Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh, Việt Nam đang vào chu kỳ xuất khẩu hàng hoá, tổng sản lượng xuất nhập khẩu tốt hơn so với năm ngoái, sản lượng đơn hàng của doanh nghiệp cảng biển cao hơn cộng với giá trị cước cao sẽ tạo đà tăng cho lợi nhuận năm 2022 của doanh nghiệp.
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giới phân tích đánh giá, với tốc độ tăng trưởng công suất được kỳ vọng ở mức 6% trong bối cảnh giá dịch vụ cảng biển nhiều khả năng chỉ được điều chỉnh dựa theo lạm phát kỳ vọng hàng năm, dự kiến ở mức trung bình 3%/năm thì doanh thu đến từ dịch vụ khai thác cảng biển sẽ tăng trưởng quanh mức trung bình 9%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030.
Để đón sóng tăng trưởng năm 2022, các doanh nghiệp đang triển khai nhiều dự án đầu tư hạ tầng sau cảng và dịch vụ logistics. Như Công ty Gemadept đang tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua các cảng cạn, hệ thống kho, điểm tập kết hàng hóa và đội tàu sông, hướng tới gia tăng vị thế của cảng nước sâu Gemalink thuộc khu vực cảng Cái Mép như một trung tâm trung chuyển quan trọng của khu vực.
Vừa qua, cảng nước sâu Gemalink cũng đã ghi dấu mốc 1 triệu TEUs thông qua cảng chỉ sau một năm vận hành. Nửa đầu năm, cảng sẽ hoàn thành lắp đặt bổ sung 2 dàn cẩu STS và 6 e-RTG thế hệ mới cùng các trang thiết bị hiện đại khác để nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác.
Gemalink đang gấp rút chuẩn bị để sớm khởi công giai đoạn 2 của cảng nước sâu Gemalink để có thể đưa vào khai thác từ năm 2025, nâng tổng công suất của Gemalink lên gần 3 triệu TEUs thông qua. Lúc này, thị phần Gemalink ở khu vực Cái Mép, Thị Vải có thể lên tới 35% từ 15% hiện nay.
Năm 2022, Công ty Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship) đặt chiến lược đầu tư trên địa bàn Hải Phòng giúp khai thác tốt hiệu quả dịch vụ bổ trợ từ các đơn vị thành viên, đối tác chiến lược và gia tăng lợi thế địa phương.
Doanh nghiệp này sở hữu Cảng Vip Green có vị trí thuận lợi nằm ở hạ nguồn sông Cấm với công suất thiết kế đạt 800.000 TEUs/năm. Dù chịu áp lực cạnh tranh với các cảng khác tại khu vực như cảng Đình Vũ, Nam Hải Đình Vũ, song Cảng Vip Green có nhiều yếu tố cải thiện hiệu suất.
Theo đó, sản lượng hàng hóa cập cảng tại khu vực Hải Phòng được kỳ vọng tăng trưởng trên 2 chữ số nhờ nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Hải Phòng tiếp tục là địa phương đi đầu trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài của cả nước.
Cùng với đó, lợi thế hệ thống kho bãi, logistics được tích hợp sẽ giúp gia tăng lợi thế cạnh tranh của Viconship với các cảng khác cùng khu vực.
Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, Chủ tịch Viconship Nguyễn Việt Hòa cho biết thêm, doanh nghiệp này đang tiến hành mua lại cảng cạn Quảng Bình từ Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Bình.
Trước đó, các doanh nghiệp cảng biển đã báo lãi trong quý I/2022. Công ty Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ và Công ty Cảng Đồng Nai ghi nhận tăng trưởng lần lượt 5,2% và 30,2%.
Với Gemadept, quý I/2022 được ghi nhận là quý tăng trưởng tốt nhất từ trước đến nay, với doanh thu 880 tỷ đồng, tăng 28% và lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước.
Ban điều hành doanh nghiệp này dự kiến tăng chỉ tiêu lãi cả năm lên 1.200 tỷ đồng từ 1.000 tỷ đồng mà Hội đồng quản trị xác định, tương ứng mức tăng trưởng 49% so với thực hiện năm 2021.
Trên thị trường, đóng của phiên giao dịch 29/6, cổ phiếu GMD của Gemadept có giá 54.500 đồng/đơn vị; VSC của Viconship có giá 42.200 đồng/đơn vị; DVP của Cảng Đình Vũ có giá 51.900 đồng/đơn vị và thị giá của PDN của Cảng Đồng Nai là 101.600 đồng/đơn vị.