Phải nhìn nhận căng thẳng giữa Nga - Ukraine sẽ là một trong những nguyên nhân chính làm tăng giá một số mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như: khí đốt - dầu mỏ, lúa mỳ, nhôm, nickel, ngô… Lý do bởi thị phần sản xuất và xuất khẩu của 2 nước trên rất lớn. Bên cạnh đó, một số hãng tàu lớn đã ngừng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Nga. Các yếu tố trên sẽ khiến chi phí đầu vào và cước vận tải biển tăng đột biến.
Nhìn xa hơn, không chỉ các đơn hàng xuất khẩu sang Nga bị ảnh hưởng mà xuất khẩu sang EU cũng chịu liên đới vì nhiều bạn hàng EU nhập khẩu nông sản Việt Nam để bán sang Nga.
Rõ ràng, dù Nga và Ukraine không phải là thị trường lớn khi chiếm trên 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nhưng vẫn quan hệ giao thương ở những mặt hàng nông nghiệp, sắt thép, máy móc thiết bị, dệt may… thì căng thẳng giữa 2 nước này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam vốn được đánh giá rất linh hoạt trong xử lý ảnh hưởng từ các vấn đề liên quan thiên tai, dịch bệnh hay những căng thẳng thương mại giữa các nước. Đó là Chính phủ, các bộ ngành chủ quản luôn trong tâm thế chủ động, bình tĩnh đánh giá tầm ảnh hưởng của vấn đề để đưa ra các quyết định xử lý kịp thời, phù hợp. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam - đối tượng chịu ảnh hưởng trực diện luôn tìm ra những giải pháp thích ứng với mỗi tình huống, hoàn cảnh.
Ngay tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới các vấn đề ảnh hưởng bởi tình hình Ukraine đã cho thấy Chính phủ nhận thức rõ được mức độ ảnh hưởng của cuộc xung đột này. Tổ công tác do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.
Sự chủ động không chỉ từ cấp cao nhất của Chính phủ mà ngay các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng đã có những động thái để đối phó.
Bởi trước khi có chỉ đạo này của Thủ tướng, 2 Bộ trưởng Công Thương và Nông nghiệp Phát triển nông thôn- Bộ phụ trách những ngành hàng, lĩnh vực chịu tác động trực tiếp của tình hình Nga - Ukraine đã có cuộc họp để đánh giá tình hình và đưa ra các giải pháp ứng phó. Hai Bộ này đã thống nhất cùng ngồi lại giao ban thường xuyên để nhận thông tin, phản hồi và xử lý thông tin tới các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Trước đó, Bộ Công Thương đã gửi các hiệp hội và doanh nghiệp khuyến cáo lưu ý về khả năng hàng hóa bị chậm chễ giao do phải chờ thông quan nhiều ngày, dẫn đến rủi ro trong khâu thanh toán.
Thận trọng lường trước tình hình, với phương án dài hơi hơn, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp cần nghiên cứu để mở rộng thêm thị trường các nước trong khu vực Á – Âu. Và bộ này cũng sẵn sàng hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội thị trường mà Việt Nam đang là thành viên của rất nhiều Hiệp định thương mại tự do.
Cũng chính doanh nghiệp đã chủ động tự thân trong giải quyết khó khăn. Mặc dù có thể thấy có những doanh nghiệp khá bất ngờ, lo lắng trước diễn biến của xung đột Nga - Ukrane gây nên những bất lợi trong tiếp nhận đơn hàng từ các đối tác, những chi phí có thể tăng thêm do giao thương khó khăn nhưng có nhiều doanh nghiệp đã chủ động tính toán những bước đi dài hơn như tìm kiếm những thị trường mới, thị trường trong khu vực Á – Âu. Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam cũng khẳng định, trong tình huống doanh nghiệp khó thanh toán với Nga, thì cũng sẽ chủ động ứng phó, tìm ra các cách thanh toán mới.
Có thể thấy, căng thẳng Nga - Ukraine chưa biết lúc nào có điểm dừng sẽ có những tác động trong cả ngắn hạn và dài hạn đối với thế giới; trong đó có Việt Nam. Nhất là khi lệnh trừng phạt của các nước dành cho Nga chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, năng lượng…
Nhưng việc chủ động nắm bắt tình hình, dự báo những diễn biến có thể xảy ra từ sớm cùng với sự bình tĩnh sẽ giúp Việt Nam có những cách thức ứng phó phù hợp, vừa ổn định tình hình sản xuất kinh doanh trong nước, vừa đảm bảo mục tiêu kinh tế vĩ mô đã đặt ra.