Cũng theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn sau khi điều chỉnh thiết kế sẽ rút ngắn tiến độ 1 tháng hai gói thầu XL7 và XL8 và phấn đấu hoàn thành toàn tuyến vào tháng 9/2022.
Ông Lê Văn Sáu, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đại điện chủ đầu) cho biết, hiện đã 7/11 gói thầu của dự án Cam Lộ - La Sơn thi công xong nền đường và đang vào công tác thảm cấp phối đá dăm, bê tông nhựa lớp 1 đại trà. Tính chung toàn tuyến đạt gần 80%, cơ bản đáp ứng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải. Các gói thầu có sản lượng đạt trên mức bình quân chung cả dự án (77%) gồm: XL1, XL2, XL4, XL8, XL10.
Các gói thầu XL8 và XL10 triển khai Quý I/2020 sản lượng đạt 86% và 92% so với hợp đồng, đạt tiến độ yêu cầu đề ra; trong đó có 2 gói thầu XL5, XL6 có sản lượng trung bình thấp, nguyên nhân chủ yếu là do hai gói thầu này có khối lượng đắp nền đường là chủ yếu và trước đây có khó khăn trong công tác tìm nguồn vật liệu đất đắp, hiện đã được Bộ Giao thông Vận tải và địa phương tháo gỡ cơ bản đảm bảo nguồn đất đắp; các gói thầu còn lại cơ bản đảm bảo theo tiến độ điều chỉnh đề ra.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN trên công trường dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn những ngày cuối tháng 3/2022 rất sôi động, nhà thầu tại các gói thầu khu vực Thừa Thiên Huế đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, dồn lực thi công đắp nền và thảm nhựa mặt đường, thi công cầu, cống dọc tuyến. Trong khi đó, các gói thầu tại Quảng Trị đang trông ngóng thời tiết từng ngày để thảm mặt đường.
Theo quan sát của phóng viên, dự án cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao cho đơn vị thi công. Trên toàn tuyến chỉ vướng mắc cục bộ một vài điểm cục bộ đang được Ban quản lý dự án và chính quyền tập trung tháo gỡ.
Ông Lê Văn Sáu thông tin thêm, thời gian qua, các đơn vị thi công gói thầu XL1, XL2, XL3 đã nỗ lực vượt qua rào cản, trở ngại về thời tiết mưa nhiều, dịch COVID-19 để đẩy khối lượng triển khai. Tuy nhiên, sản lượng chưa đạt tiến độ đề ra chủ yếu do nguyên nhân thời tiết mưa nhiều ở Quảng Trị.
Ông Nguyễn Văn Phan, Trưởng phòng điều hành dự án 3 - Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (phụ trách gói xây lắp XL1,XL2,XL3) thuộc địa bàn Quảng Trị cho hay, hiện các nhà thầu đang khẩn trương thi công, hoàn thiện các hạng mục, cố gắng đưa dự án “về đích” theo kế hoạch. Nhưng do nhiều yếu tố; trong đó vướng mặt bằng “xôi đỗ”, nhiều gói thầu cao tốc Cam Lộ - La Sơn gặp khó như áp lực thời tiết bất lợi, vướng mắc mặt bằng... đang là lực cản tiến độ triển khai trên công trường.
Một nhà thầu đang thi công tại Quảng Trị chia sẻ, nếu thời tiết nắng ráo thì có thể thi công 3 ca, đặc biệt là thảm nhựa. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay thời tiết mưa rất nhiều nên nhà thầu không thể thực hiện thảm mặt đường.
Trong khi đó những ngày qua, tranh thủ thời tiết nắng ráo, nhịp độ thi công các gói thầu XL5, XL6 và XL7 (Km 46+200 - Km 69+00, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn) thêm khẩn trương. Từng đoàn xe chở vật liệu đất đắp nối nhau ra vào. Dây chuyền san, ủi, lu lèn… đã được tăng cường thi công hối hả trước sự giám sát chặt chẽ của tư vấn giám sát, điều hành dự án.
Ông Tạ Gia Mạnh Hưng, Trưởng phòng điều hành dự án 2 - Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (phụ trách các gói thầu XL5, XL6, XL7) chia sẻ, thời gian tranh thủ thời tiết thuận lợi chúng tôi yêu cầu nhà thầu tập trung quân số và máy móc thi công để bù lại khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến nay, thời tiết mưa nhiều, dự án dừng, không thi công được phần nền đường.
Cũng theo ông Hưng, hai gói thầu XL5 và XL6 có tiến độ chậm so mới mức bình quân chung sản lượng của dự án do hai gói thầu này là nền đắp hoàn toàn, lúc mới triển khai nguồn cung đất đắp cho dự án còn hạn chế. Đến thời điểm này gói XL7 đã đạt sản lượng 70% theo hợp đồng, tính chung sản lượng 3 gói thầu trên đạt gần 60%. Hiện nay còn vướng mắc khoảng 190md xử lý nền đất yếu, sau khi được điều chỉnh thiết kế, chúng tôi đã cam kết rút ngắn tiến độ gói thầu XL7 trước một tháng.
Đối với các gói thầu XL8,XL9, XL10 và XL11, theo quan sát của phóng viên nhiều đoạn tuyến đã thảm xong bê tông nhựa lớp đại trà (C19). Cụ thể gói thầu XL8 hiện đã thảm được hơn 3km lớp C19. Đặc biệt gói XL10 đã thảm được lớp bê tông C12.5 (lớp cuối) được 8/11km. Trong khi đó, gói XL11 cũng gần như thảm xong lớp C19 và trong thời gian tới sẽ thảm lớp mặt C12.5 nếu thời tiết thuận lợi.
Liên quan đến việc tái lấn chiếm mặt bằng dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản gửi UBND các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, UBND thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị yêu cầu chỉ đạo các đơn vị chức năng và các xã liên quan kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.
Lãnh đạo Bộ giao thông vận tải cho biết đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tập trung xử lý vướng mắc, đưa dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn cán đích trong giai đoạn cuối năm 2022. Cao tốc này sau khi hoàn thành sẽ kết nối liên hoàn với cao tốc La Sơn - Túy Loan đã sẵn sàng thông xe, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang khai thác, tạo “trục động lực” xuyên miền Trung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và liên vùng.
Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn có chiều dài hơn 98 km đi qua địa phận tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.669 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với 11 gói thầu xây lắp. Đây là dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được khởi công xây dựng tháng 9/2019.
Dự án có điểm đầu tại Km0 (Cam Lộ), trùng với Km 10+440 Quốc lộ9, thuộc địa phận xã Cam Hiếu (Cam Lộ, Quảng Trị). Điểm cuối Km 102+200 (La Sơn), trùng với Km 4 Tỉnh lộ 14B, trùng với điểm đầu dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan (thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Dự án bao gồm 11 gói thầu xây lắp, được khởi công từ tháng 9/2019.