Tiến độ dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã quá chậm so với yêu cầu do bị ảnh hưởng bởi không ít nhà thầu năng lực yếu. Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lại phải dùng “tối hậu thư” đối với chủ đầu tư và các nhà thầu thi công.Nhiều gói thầu chậm tiến độTheo tìm hiểu của phóng viên, tiến độ các gói thầu xây lắp của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện đạt khoảng 81%, công tác giải phóng mặt bằng cũng đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, tại các gói thầu EX5, EX6 đi qua tỉnh Hải Dương thi công trên nền đất yếu, mặc dù các nhà thầu đã tiến hành gia cố chịu tải, nhưng đến nay vẫn chưa đạt điều kiện dỡ tải để thi công các lớp tiếp theo.
Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI - chủ đầu tư dự án) Đào Văn Chiến cho biết, các đoạn thi công tại các gói thầu EX1B, EX2, EX4, do năng lực tài chính, nhân lực, máy móc thiết bị... của nhà thầu hạn chế, đã dẫn tới tình trạng thi công chậm so với kế hoạch đề ra.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu bố trí lực lượng thi công cả trong dịp Tết để đảm bảo tiến độ. Ảnh: Bộ GTVT |
Cụ thể, tại gói thầu EX1B do liên danh nhà thầu Công ty Xây lắp Phúc Lộc - Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp Dầu khí (các nhà thầu phụ) đang thi công chậm hai tháng rưỡi so với kế hoạch. Hai gói thầu EX2 do nhà thầu Namkwang và EX4 do nhà thầu Keangnam (Hàn Quốc - các nhà thầu chính) thi công, nhưng do thiếu năng lực tài chính, nợ tiền các nhà thầu phụ, cũng đang trong tình trạng thi công cầm chừng. Nếu không cải thiện được thực tế này, tiến độ cao tốc sẽ bị ảnh hưởng chung và khó có thể cán đích đúng hẹn cuối năm nay.
Tháng 7/2014, sau khi thị sát thực tế chậm tiến độ các gói thầu, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng đã ra “tối hậu thư” sẽ “cấm cửa” không cho tham gia các dự án khác tại Việt Nam đối với các nhà thầu phụ thi công chậm tiến độ, các tư vấn giám sát kém năng lực. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn đang đứng trước nguy cơ lỡ hẹn.
Yêu cầu cuối 2015 đưa vào sử dụngTrước tình hình trên, ngay trong đợt kiểm tra đầu năm mới, Bộ trưởng Đinh La Thăng một lần nữa lại ra “tối hậu thư” đối với chủ đầu tư VIDIFI, yêu cầu chậm nhất đến ngày 30/4/2015, cao tốc phải nối thông đoạn Hải Phòng - Hải Dương. Đối với hai gói thầu EX5, EX6, Bộ trưởng đồng ý cho phép chủ đầu tư và các nhà thầu dỡ tải trước thời hạn, cắm biển chờ lún để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đồng thời, phải bố trí đầy đủ nguồn lực để thi công liên tục trên toàn tuyến, kể cả trong dịp Tết Ất Mùi để đảm bảo tiến độ. Trong quá trình thi công, các đơn vị phải phối hợp với chính quyền 5 tỉnh, thành phố có dự án đi qua để có biện pháp bảo vệ thi công an toàn.
Riêng đối với gói thầu EX4 do nhà thầu Keangnam làm thầu chính, Bộ GTVT đã yêu cầu VIDIFI thu hồi bảo lãnh của đơn vị này, để ký hợp đồng với nhà thầu khác, tính theo khối lượng mới để đẩy nhanh tiến độ và đề nghị đơn vị tư vấn giám sát tăng cường lực lượng để giám sát chất lượng dự án.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã phải lùi, hoãn, giãn tiến độ nhiều lần, do đó không thể tiếp tục chậm trễ. Cuối năm nay, dự án phải đưa vào khai thác theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian không còn nhiều, do đó chủ đầu tư và các nhà thầu phải huy động tổng lực thi công đảm bảo tiến độ gắn với chất lượng công trình. Bên cạnh đó, chủ đầu tư và các nhà thầu phải hoàn thiện hệ thống đảm bảo an toàn giao thông, biển báo, đèn tín hiệu theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đã giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo họp giao ban dự án ít nhất 1 lần/tháng để trực tiếp xử lý tồn đọng, điều chỉnh khối lượng, tăng cường vật liệu, tăng cường xử lý lún, thu hồi bảo lãnh, ký hợp đồng mới với nhà thầu phụ... Đối với gói thầu EX1B qua huyện Gia Lâm (Hà Nội) đang hụt nhiều tiến độ, vì phải thi công 8 cầu, đường dẫn và xử lý nền đất yếu, Bộ GTVT đã yêu cầu liên danh nhà thầu Cienco1 - Cienco4 không chủ quan, phải đảm bảo tiến độ thi công, vì đây là gói thầu chính quyết định đến tiến độ thông xe toàn dự án.
Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105,5 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/giờ, với 6 làn xe cơ giới, hai làn dừng khẩn cấp. Dự án gồm 11 gói thầu từ EX1 – EX11, điểm đầu bắt đầu từ đường vành đai 3 Hà Nội, điểm cuối tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng). Dự án đi qua 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, với tổng mức đầu tư gần 45.500 tỷ đồng. Dự kiến, khi hoàn thành vào cuối năm 2015, từ Hà Nội đi các cảng cửa ngõ ở Hải Phòng được rút ngắn từ 3 giờ xuống còn hơn 1 giờ. |
Tiến Hiếu