Cụ thể, tại dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cắt chuyển 1,49 km (0,56 km thuộc gói thầu XL3 và 0,93 km thuộc gói XL5) và một số đường đầu cầu, đường đầu hầm chui tại các gói thầu XL3, XL5 và XL7 của một số nhà thầu phụ cho nhà thầu chính thi công.
"Sau chỉ đạo xử lý nhà thầu yếu, Bộ cũng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, tư vấn giám sát kiểm soát chặt chẽ tiến độ các gói thầu, triển khai thi công đảm bảo tiến độ đã cam kết. Trong đó, 6 gói thầu hoàn thành trước ngày 30/6, 3 gói thầu hoàn thành trước ngày 30/8/2022 và 2 gói hoàn thành trước ngày 30/9/2022", lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao, tính đến ngày 25/5, sản lượng thi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đạt 86%, chậm khoảng 1,3% so với kế hoạch.
Tại dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết, theo báo cáo đến ngày 25/5, sản lượng đạt ,4%, chậm khoảng 1,9% so với kế hoạch cam kết.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan do khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp (mới được giải quyết dứt điểm ngày 20/5/2022), ảnh hưởng mùa mưa đến sớm, lý do khiến tiến độ dự án bị ảnh hưởng là do nhà thầu chưa quyết liệt tập trung thi công bù lại tiến độ.
Trước tình hình đó, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 7 thực hiện cắt chuyển khối lượng 16,5 km và đang tiếp tục cắt chuyển khối lượng 4,5 km của nhà thầu chậm tiến độ thuộc gói thầu XL02.
Đồng thời, Bộ yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ lập điều chỉnh của các nhà thầu, đảm bảo đến ngày 30/6/2022 phải đạt sản lượng 50,8% giá trị hợp đồng.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án 7, đơn vị mới bị điều chuyển khối lượng công việc 4,5 km đường là nhà thầu Viễn Đông.
Ngày 24/5, Ban Quản lý dự án 7 đã hoàn tất thủ tục cắt chuyển toàn bộ công việc, đưa nhà thầu này ra khỏi công trường do năng lực yếu kém không còn khả năng thi công. Nhà thầu thay thế đơn vị mới bị cắt chuyển là Công ty Quản Trung - một doanh nghiệp quản lý nhiều mỏ vật liệu, có năng lực và đầy đủ thiết bị thi công.
Cùng với việc xử lý nhà thầu thiếu năng lực, giải quyết dòng tiền cũng là nhiệm vụ trọng tâm Ban đang chỉ đạo, phối hợp với các nhà thầu thực hiện để công việc làm đến đâu có thể nghiệm thu, giải ngân đến đó.
"Ban Quản lý dự án 7 cũng đề nghị nhà thầu phải có bộ phận cân đối dòng tiền cho các đơn vị thi công ở dưới. Trong thời gian sản lượng thi công chưa kịp nghiệm thu, thanh toán phải cấp thêm tín dụng để công trường đủ tài chính triển khai. Đồng thời, đẩy mạnh giám sát hiện trường, phối hợp giải quyết dòng tiền đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đến ngày 30/6 thi công xong toàn bộ phần nền, đạt tiến độ 50,8% để lấy lại tiến độ bị chậm", đại diện Ban Quản lý dự án 7 thông tin.