Bình minh trên cầu Cao Lãnh. Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN |
Thế nhưng, với những người đã gắn bó với con phà đưa rước khách qua sông Tiền mỗi ngày tại bến phà Cao Lãnh thì cảm xúc vui buồn lại đan xen. Những chuyến phà đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử đưa rước khách sang sông.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Phà Đồng Tháp, người đã có 40 năm làm việc ở bến phà Cao Lãnh và cũng chính là người đã chứng kiến nhiều sự đổi thay nhất của đơn vị cho biết, phà đã có lịch sử khá lâu để làm nhiệm vụ đưa rước khách và hàng hoá từ thành phố Cao Lãnh - huyện Lấp Vò.
Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, phà Cao Lãnh được tiếp quản. Lúc đầu, có tên là Bến đò Tân Tịch, đến năm 1992, được UBND tỉnh Đồng Tháp đổi tên thành Phà Cao Lãnh. Tại thời điểm đó, chỉ vỏn vẹn có 2 phà 60 tấn và 2 phà 25 tấn do trang thiết bị, cơ sở vật chất quá cũ, lỗi thời nên mỗi chuyến sang sông có thời gian kéo dài gần 30 phút.
Nguồn nhân lực thiếu, trang thiết bị, phụ tùng lạc hậu, thậm chí không có nên khi hư hỏng, công tác sửa chữa rất khó khăn, phải tận dụng lại, chắp vá, tự hàn, tiện, sáng chế làm sao khắc phục sự cố, cho phà trở lại. Khó khăn thuở ban đầu là vậy, nhưng chẳng lâu sau đó, bến phà được đầu tư thêm nhiều phà mới, phà 60 tấn, 100 tấn.
"Tính đến thời điểm đầu năm 2018, đơn vị có 121 cán bộ, công nhân viên với 5 phà 100 tấn, 3 phà 60 tấn, 2 phà 40 tấn, hoạt động 24/24 đảm bảo phục vụ tối đa nhu cầu đi lại của người dân. Ước tính, mỗi ngày vận chuyển khoảng 13.600 lượt xe gắn máy, 2.000 xe ô tô các loại", ông Phước kể.
Công trình xây dựng cầu Cao Lãnh dần hiện hữu cũng là khi tâm trạng của tập thể công nhân viên đơn vị đều vui buồn lẫn lộn. Vui vì tỉnh có một cây cầu để phát triển kinh tế, xã hội, giúp hành khách, xe cộ vượt sông nhanh hơn, dễ dàng hơn. Nhưng, khi cầu thông xe rồi. thì sứ mạng lịch sử của bến phà cũng hoàn thành. Công việc của anh em cũng bị ảnh hưởng, một số người không còn làm việc nữa hoặc bố trí đi chỗ khác.
Gắn bó công tác lái tàu hơn 22 năm ở bến phà Cao Lãnh, anh Nguyễn An Phú chia sẻ không thể nào quên những kỷ niệm vui buồn khi xem buồng lái là nhà, lấy việc an toàn của hành khách là trên hết. Đứng trên boong tàu hằng ngày, hằng giờ và đặc biệt là ca trực hay lễ, Tết phải chạy đêm, nhìn mọi người hối hả về quê sum họp, anh Phú cũng cảm thấy buồn. Nhưng vì sự đam mê với công việc yêu thích và thấy mình cũng góp phần nhỏ bé, lặng thầm giúp họ vượt sông an toàn về nhà thì anh lại thấy phấn chấn để tiếp tục cầm vô lăng.
15 giờ ngày 27/5/2018, cầu Cao Lãnh chính thức thông xe. Hàng nghìn người nô nức vượt sông bằng cầu. Cũng chính từ lúc đó, những chuyến phà vắng khách hẳn. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho biết, sau khi cầu Cao Lãnh chính thức đưa vào khai thác, Bến phà Cao Lãnh vẫn tiếp tục hoạt động với quy mô nhỏ hơn để phục vụ vận chuyển hành khách đi xe máy và đi bộ theo nhu cầu của người dân và học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò.
Theo đó, 2 phà có tải trọng 40 tấn sẽ tiếp tục hoạt động từ 4h30 đến 21 giờ. Trên 100 nhân viên và 8 chiếc phà sẽ được di chuyển về bến phà Phong Hoà (Lai Vung, Đồng Tháp) - Thới An (Ô Môn, Cần Thơ), bến phà Sa Đéc (Đồng Tháp),... tiếp tục sứ mệnh trên những vùng đất mới.
Sứ mệnh lịch sử đã hoàn thành, những chuyến phà dọc - ngang đã được thay thế bằng chiếc cầu dây văng hiện đại, hoành tráng. Dù thưa thớt hẳn so với trước nhưng phà Cao Lãnh đã trở thành biểu tượng thân thương, nằm sâu trong ký ức của nhiều người, nhiều thế hệ khi đã tồn tại hàng trăm năm.
Bà Lê Thị Năm, 62 tuổi ngụ phường 6, thành phố Cao Lãnh cho biết, cả thanh xuân của bà và gia đình 4 đời nhà bà đều gắn với bến phà. Hiện tại, bà có 2 người cháu ngoại đang làm việc nơi đây. Bà nói, sống ở bến phà tuy ồn mà vui. Cảnh nhộn nhịp, người - hàng qua lại, nhất là vào dịp lễ Tết cũng giúp người dân kiếm được khoản thu nhập từ việc buôn bán.
Thường xuyên qua lại bến phà, bà Trần Thị Ngợi, phường 6, thành phố Cao Lãnh, cũng nói, một ngày trung bình qua 3 - 4 lần để mua bán cá. Dù khuya hay sáng sớm, phà cũng chạy 24/24, nhân viên đều niềm nở, ân cần. Đó là những ký ức rất đẹp với người dân nơi đây.