Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi gà “kêu” thua lỗ kéo dài, có nguy cơ phá sản, vì thịt gà nhập khẩu được bán với giá quá rẻ. Báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam về vấn đề này.
Xin ông cho biết những khó khăn mà ngành chăn nuôi gà Việt Nam đang gặp phải?
Những năm qua, chăn nuôi gà có sự bùng nổ về số lượng và sản lượng, tăng trưởng bình quân trong năm qua về sản lượng là 9,9%, so với bình quân thế giới là 3,7%, chúng ta tăng hơn 2, 3 lần. Chính vì tăng trưởng “nóng” đã tạo ra tình trạng khủng hoảng thừa sản phẩm. Cùng với đó là một lượng lớn thịt nhập khẩu tràn vào, làm cho giá thịt gia cầm xuống rất thấp.
Ngành chăn nuôi gà Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Thứ hai, dù năng suất đã có cải thiện nhưng nhìn chung bình quân chỉ tiêu năng suất của chúng ta vẫn thấp hơn năng suất của thế giới. Thời gian nuôi gà của chúng ta cao hơn so với thế giới từ 7 - 10 ngày, tiêu tốn thức ăn cao hơn từ 0,2 - 0,5 kg trên 1 kg tăng trọng. Chính vì thời gian nuôi dài, chi phí thức ăn cao, nên giá thành sản phẩm cũng cao hơn giá thế giới từ 20 - 30%.
Bên cạnh đó, phần lớn giống gà chất lượng cao phụ thuộc vào nước ngoài, gần 100% giống gà công nghiệp lông trắng phải nhập từ các nước phát triển, 40% gà lông màu và 90 - 100% gà trứng năng suất cao phải nhập.
Ngoài ra, lâu nay vẫn tồn tại một bất cập lớn, đó là lợi nhuận của người sản xuất chỉ chiếm khoảng 5%. Trong khi đó, thương lái có lợi nhuận khoảng 22%, người bán buôn bán lẻ trên 30 - 33%. Vì vậy sản phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn khá cao. Đấy cũng là một điểm nghẽn của ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng.
Để “giải cứu” ngành chăn nuôi gà cần những chính sách gì, thưa ông?
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi quan điểm về phát triển ngành gà. Thứ nhất, chuyển đổi từ phát triển bùng nổ về số lượng và đầu con sang phát triển bền vững hơn. Thứ hai, từ phát triển về số lượng chuyển sang phát triển về chất lượng, chuyển đổi sang dòng sản phẩm chất lượng cao kể cả thịt cũng như trứng. Thứ ba, đã đến lúc hướng tới xuất khẩu một số mặt hàng mà chúng ta có lợi thế.
Để thực hiện điều đó, trước mắt đánh giá lại, có sự thống nhất về sản lượng gia cầm hiện nay, sản lượng trứng... từ đó làm cơ sở cho định hướng phát triển trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Thứ hai, phải nghiên cứu, đề ra biện pháp kỹ thuật để kiểm soát tốt các sản phẩm gia cầm nhập khẩu và tránh gian lận thương mại.
Về mặt tổ chức sản xuất, chúng ta phải đánh giá lại phương thức tổ chức sản xuất hiện nay, đặc biệt là phương thức chăn nuôi gia công, trên cơ sở đó điều chỉnh những bất cập như một số tập đoàn nước ngoài cũng như một số doanh nghiệp trong nước đang thực hiện.
Về liên kết, đã đến lúc phải liên kết chuỗi sản xuất từ các HTX với các doanh nghiệp, như vậy mới có sự phát triển bền vững trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ gia cầm nói chung về gà nói riêng.
Về khoa học công nghệ, một là phải tiếp tục đầu tư để nghiên cứu đưa ra các giống mới, đặc biệt là các nhóm gà lông màu chất lượng cao trên cơ sở nguồn gen bản địa và các nguồn gen nhập khẩu. Thứ hai, khuyến khích các doanh nghiệp tập trung làm giống, từ trước đến nay hầu hết các doanh nghiệp tập trung sản xuất con thương phẩm, giống chủ yếu nhập khẩu. Đã đến lúc chúng ta phải tính tới chuyện tự túc sản xuất một số giống có lợi thế của nước ta. Thứ ba, phải có chính sách hỗ trợ đầu tư, để các doanh nghiệp thực sự muốn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gà nói riêng.
Để bảo vệ sản xuất trong nước, nhiều nước dựng lên các hàng rào kỹ thuật, chúng ta sẽ có những hàng rào kỹ thuật nào, thưa ông?
Nước nào cũng có những biện pháp kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước khi gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế và khu vực. Đối với nước ta, dù chúng ta chưa có kinh nghiệm nhiều nhưng đã đến lúc các cơ quan quản lý phải nghiêm túc nghiên cứu để đề xuất những biện pháp, hàng rào kỹ thuật đối với các mặt hàng nhập khẩu, để bảo hộ sản xuất trong nước. Ví dụ, khi một quốc gia nào đó đang xuất khẩu mà xảy ra một dịch lớn, lập tức chúng ta phải cấm nhập khẩu ở vùng có dịch, vì để trễ thì hàng của người ta đã xuất đi ra khỏi nước đó rồi. Thứ hai là nghiên cứu thời gian bảo quản, dựa vào đó để đưa ra những biện pháp kỹ thuật theo thông lệ quốc tế, theo tiêu chuẩn phổ biến của quốc tế, để có thể hạn chế sản phẩm chất lượng kém hoặc sản phẩm gần hết hạn tràn vào nước ta.