Dù được hưởng lợi hay chịu thiệt hại từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang hết sức căng thẳng, các nước trên thế giới cần có sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với nguy cơ tiềm ẩn trong một môi trường kinh doanh – tài chính khó đoán định như hiện nay.
Những ảnh hưởng lan rộng
Tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gặp trở ngại sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh "quay lưng" với những cam kết giữa hai bên, liên quan đến việc phía Trung Quốc muốn điều chỉnh một số điểm trong dự thảo thỏa thuận thương mại đã được dày công xây dựng sau 10 vòng đàm phán. Căng thẳng thương mại leo thang sau khi hai nước đều lần lượt thông báo tăng thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu của nhau theo kiểu “ăn miếng trả miếng”.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có tác động không đồng nhất đến các nước khác trên thế giới. Một số nước sẽ hưởng lợi từ việc các dòng chảy thương mại và đầu tư chuyển hướng ra khỏi hai nước này. Theo Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), các công ty châu Âu cũng có thể kỳ vọng tăng kim ngạch xuất khẩu ở mức khoảng 70 tỷ USD sang cả Mỹ lẫn Trung Quốc – thay thế các nhà cung cấp chịu tác động của thuế quan.
Căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đã tạo cơ hội để Ấn Độ đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. Năm 2018, Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết việc Trung Quốc áp thuế 15-25% đối với 333 loại hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ đã mang lại cho Ấn Độ cơ hội để thay thế 100 loại sản phẩm của Mỹ tại thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, Ấn Độ còn có thể xuất khẩu sang Trung Quốc thêm ngô, lúa mì, cao lương, nho, bông, ống lò nướng bằng thép và thuốc lá sấy.
Xuất khẩu đậu tương của Brazil và Argentina cũng được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trung Quốc áp thuế 25% đối với đậu tương Mỹ. Điều này đã làm tăng giá đậu tương Mỹ ở Trung Quốc và từ đó làm giảm nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm này, nhưng đây chỉ là suy lý của kinh tế học. Theo số liệu do Hải quan Trung Quốc công bố vào ngày 24/12/2018, từ tháng 11/2018, Trung Quốc đã không còn nhập khẩu đậu tương từ Mỹ.
Mặt khác, các nước và công ty xuất khẩu tư liệu sản xuất và hàng hóa trung gian sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn do nhu cầu giảm. Ngoài ra, các hàng rào phi thuế quan có thể gây bất lợi cho những công ty ở các nước thứ ba khác cả trước lẫn sau khi có một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Han Jae-pil, Giáo sư chuyên ngành thương mại quốc tế của trường Đại học Soongsil (Hàn Quốc) nhận định, dù không nhập quá nhiều thành phẩm, nhưng Trung Quốc hiện đang nhập nhiều hàng hóa trung gian từ Hàn Quốc như phụ tùng và nguyên liệu. Do các doanh nghiệp xuất khẩu Hàn Quốc cũng đang đối mặt với khó khăn, nên Chính phủ Hàn Quốc cần hỗ trợ các doanh nghiệp này trong khuôn khổ pháp lý, chẳng hạn như hỗ trợ tài chính, bên cạnh các biện pháp phòng ngừa thị trường tài chính bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, theo nhà phân tích Taisei Hoyama, Nhật Bản đã thực hiện các nỗ lực điều chỉnh chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản và Mỹ nhằm thích ứng với cuộc chiến thương mại đang diễn ra quyết liệt. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang rà soát lại toàn bộ chuỗi cung ứng của mình; trong đó có các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc.
Trước lo ngại các sản phẩm tiêu dùng cũng sẽ phải chịu mức thuế 25%, Fast Retailing - công ty đang quản lý chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo và đang xuất khẩu một số sản phẩm từ các nhà máy ở Trung Quốc sang thị trường Mỹ - có thể sẽ phải di chuyển một số cơ sở sản xuất phục vụ cho thị trường Bắc Mỹ, vốn đang chiếm 5% doanh số bán hàng, từ Trung Quốc sang Việt Nam và Bangladesh (Băng-la-đét).
Về phía các quốc gia Đông Nam Á, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thương mại Quốc tế thuộc Đại học Thương mại Thái Lan, ông Aat Pisanwanich, cho rằng những yếu tố quan trọng cần phải được theo dõi chặt chẽ là sự giảm giá của đồng Nhân dân tệ, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập các thị trường ASEAN; trong đó có Thái Lan, sự di chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và việc Trung Quốc mở rộng các hàng rào phi thuế quan.
Ông Aat Pisanwanich đề xuất Thái Lan cần đẩy mạnh các cuộc thảo luận về thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và mở rộng sang các thị trường xuất khẩu mới, nhất là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc... Ông cũng gợi ý rằng các nhà xuất khẩu nên cân bằng chiến lược xuất khẩu của họ giữa những hàng hóa giá rẻ và hàng hóa chất lượng cao.
Giới chuyên gia cho rằng một số nền kinh tế lớn nhất trong ASEAN đã đặt nền tảng để hưởng lợi từ việc sắp xếp lại các dây chuyền cung ứng toàn cầu mà cuộc chiến thương mại góp phần tạo ra, nhất là Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Việt Nam sẽ thấy các cơ hội trong ngành nội thất và may mặc, Malaysia có cơ hội trong ngành khí tự nhiên hóa lỏng và Thái Lan trong ngành ô tô.
Theo dữ liệu từ Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực ASEA+3 (AMRO) năm 2019, cả 3 nước này đều được hưởng lợi trong ngành thiết bị công nghệ thông tin và sản xuất điện tử. Sự kết hợp của môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng giao thông và khả năng tăng chi tiêu công khiến Việt Nam, Thái Lan và Malaysia sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mà cuộc chiến thương mại dự kiến sẽ mang lại, và thoát khỏi tình trạng suy giảm xuất khẩu đang diễn ra trong toàn khu vực.
Michael Taylor, Giám đốc tín dụng phụ trách châu Á của Tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s ở Singapore, nói: “Yếu tố hạn chế mức độ các nước có thể được lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung là cơ sở hạ tầng”. Ông nói thêm Việt Nam, Thái Lan và Malaysia đã đầu tư lớn vào những mục tiêu đó. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính rằng các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ cần 1.700 tỷ USD chi cho cơ sở hạ tầng mỗi năm cho đến năm 2030. Còn theo đánh giá của ông Jon Cowley, luật sư thương mại quốc tế cấp cao tại Baker McKenzie ở Hong Kong (Trung Quốc), Đông Nam Á đang ở vị trí đắc địa để hưởng lợi.
Động lực của Việt Nam
Theo nhận định của giới phân tích, Việt Nam đã chạy đua để trở thành một nơi ẩn náu cho các nhà đầu tư thoát khỏi căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chuyên gia Tommy Wu tại Viện kinh tế học Oxford ở Hong Kong (Trung Quốc) cho biết: “Sau thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ là nước hưởng lợi chính từ sự thay đổi trong chuỗi cung ứng, vì có vị trí địa lý gần kề Trung Quốc, tiền lương thấp và chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài thuận lợi”. Việt Nam là một trong những thị trường đang hưởng lợi khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ tăng cao.
Theo số liệu của Cục Xuất Nhập khẩu, trong 4 tháng qua Mỹ vẫn liên tục giữ ngôi vị quán quân về thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 17,8 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia lưu ý, các công ty nước ngoài từ lâu đã tận dụng lợi thế lao động giá rẻ và môi trường kinh doanh hấp dẫn tại Việt Nam, trước khi Mỹ áp dụng vòng trừng phạt đầu tiên đối với Trung Quốc vào tháng 9/2018. Chuyên gia Mary Lovely tại Viện kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) nhận xét: “Việt Nam đã và đang được lợi bởi tiền lương nhân công đang gia tăng ở Trung Quốc”.
Hiện có những dấu hiệu cho thấy đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh mẽ kể từ khi Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào năm ngoái. Giới chuyên gia nhận định ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chính sách thuế quan hà khắc của Mỹ đối với hàng hoá Trung Quốc đang thúc đẩy hoạt động đầu tư vào Việt Nam.
Công ty luật Baker & McKenzie, có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), cho rằng: “Trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhiều công ty đã đầu tư vào sản xuất ở bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là ở Đông Nam Á, nhưng cuộc xung đột đang leo thang hiện nay đã và đang đẩy nhanh quá trình này”.
GoerTek - nhà cung cấp lớn của Trung Quốc cho Apple - và công ty công nghệ lớn của Đài Loan Hon Hai Precision Industry Company, được biết đến với cái tên Foxconn, là các công ty nổi tiếng đã chuyển sản xuất sang Việt Nam trong những tháng gần đây. Khách hàng của công ty nội thất Việt Nam Xuân Hòa, bao gồm cả tập đoàn khổng lồ toàn cầu Ikea, cũng đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sau khi Mỹ áp thuế quan.
Kiran Nandra-Koehrer, chuyên gia về các nền kinh tế thị trường mới nổi tại Quỹ quản lý tài sản Pictet, cho biết: “Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất ở châu Á”. Nandra-Koehrer gợi ý rằng việc chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc sẽ là một phần của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến Việt Nam, đặc biệt là trong sản xuất dệt may và thậm chí cả điện tử gia dụng.
Sự bùng nổ công nghệ cao của Việt Nam trong những năm gần đây cũng tạo đà cho việc bắt đầu sản xuất các sản phẩm ở mức cao hơn. Đây được xem là xu hướng chuyển dần sang Việt Nam gần đây của các nhà máy sản xuất hàng điện tử. Giới phân tích cho rằng muốn nắm lấy cơ hội, Việt Nam cần xây dựng môi trường kinh doanh, hoàn thiện chuỗi cung ứng, đầu tư vào các ngành công nghệ cao.
Việt Nam trong những năm qua đã tham gia nhiều hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sắp tới là Hiệp định thương mại EU-Việt Nam (EVFTA), đồng thời thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng để trở thành một nguồn xuất khẩu toàn cầu trong nỗ lực tìm kiếm thêm thị trường mới và giảm dần sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc.