Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương phối hợp với Bộ Tư pháp và bộ, cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ dự án Nghị quyết để trình cấp có thẩm quyền đảm bảo đúng quy trình, trình tự, thủ tục. Trong đó, nêu rõ căn cứ, cơ sở, sự cần thiết để đề xuất xây dựng, ban hành dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, báo cáo Chính phủ trước ngày 25/4.
Bộ Tài chính chủ động thực hiện việc xây dựng văn bản quy định về giảm các khoản thu phí, lệ phí theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm cả việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với Thông tư của Bộ Tài chính).
Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất, năm 2023, giảm 2% mức thuế suất thuế VAT với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%. Thời gian áp dụng kể từ khi chính sách được ban hành đến hết ngày 31/12/2023. Theo Bộ Tài chính, dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 5.800 tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 nghìn tỷ đồng.
Về tiếp tục giảm các khoản thu phí, lệ phí, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ động thực hiện việc xây dựng văn bản quy định về giảm các khoản thu phí, lệ phí theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với Thông tư của Bộ Tài chính.
Đề cập về các giải pháp tháo gỡ cho người dân và doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết: Động thái giảm thuế của Bộ Tài chính khi được Quốc hôi đồng ý sẽ tạo cú hích giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.
"Nghị quyết 50 của Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu cả việc đề xuất giảm thuế VAT. Đó là tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng doanh nghiệp và có hiệu ứng tốt nhất trong các giải pháp, một giải pháp nhưng đạt được nhiều mục đích", bà Nguyễn Thị Cúc nhận định.
Theo nhiều chuyên gia tài chính, thời điểm này chính sách giảm thuế VAT là rất cần thiết đối với doanh nghiệp và người dân khi trong quý 1/2023 tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất khó khăn. Số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động liên tục tăng lên... Việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng sẽ mang lại kết quả tích cực, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tái sản xuất. “Thuế VAT nằm trong giá, khi giảm 2% thuế VAT sẽ giảm giá bán hàng hóa dịch vụ, kích thích tiêu dùng, giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hơn. Đối với doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên vật liệu đầu vào được giảm thuế VAT sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, kích thích sản xuất”, đại diện Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết.
Ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính đánh giá: Mức giảm 2% thuế VAT sẽ là một con số lớn trong nền kinh tế; đồng thời tạo ra sức ép cho ngân sách Nhà nước và tạo ra cơ cấu nợ cho những năm sau. Tỷ trọng thuế VAT trong NSNN chiếm trung bình khoảng 25%. Hiện Việt Nam có tỷ trọng trần nợ công dưới 65% GDP nên vẫn đang an toàn. “Những chính sách mang tính chất hỗ trợ trực tiếp như đầu tư công hiện còn đang yếu, chỉ có những doanh nghiệp địa phương hoặc một bộ số bộ phận của nền kinh tế được hưởng lợi; hay chính sách tiền tệ cũng tương tự, nếu lãi suất giảm, cung tiền tăng thì cũng chỉ một số nhóm, nhất là nhóm liên quan đến sản phẩm tài chính được hưởng lợi nên việc giảm thuế VAT này sẽ được đánh giá rất cao do nó tác động tích cực tới tất cả mọi người”, ông Phan Lê Thành Long cho biết.