Chỉ số Shanghai Composite đã có mức giảm điểm sâu nhất trong 3 tuần kể từ năm 1992, giữa lúc các giải pháp của chính phủ không đủ để ngăn cản nhà đầu tư bán tháo chứng khoán ký quỹ ở cấp độ chưa từng có. Trong phiên mở cửa sáng ngày hôm nay (3/7), điểm số trên sàn chứng khoán Thượng Hải giảm 3,3%, xuống còn 3.785 điểm, mất 27% so với mức đỉnh đạt được hôm 12/6; chỉ có 70 trên tổng số 1,106 mã tăng điểm. Cổ phiếu Trung Quốc đã bốc hơi 2.800 tỉ USD trong vòng 3 tuần trở lại đây, kết thúc chuỗi tăng dài nhất trong lịch sử giao dịch ở đại lục. Giá trị tài sản mất đi này đã vượt hơn 10 lần GDP của Hy Lạp.
Tâm lý bi quan đang bao trùm trên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Trước việc chỉ số Shanghai Composite có mức giảm nhanh gấp 2 lần so với bất kì thị trường nào trên toàn cầu, các nhà điều hành đưa ra cam kết sẽ mở cuộc điều tra về thao túng thị trường, công bố các biện pháp nhằm khôi phục lòng tin đối với 90 triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ đang giao dịch trên thị trường. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tiếp tục hạ lãi suất, lần thứ tư kể từ tháng 11 năm ngoái. Các quy định về giao dịch ký quỹ cũng được nới lỏng, cùng với đó là việc cắt giảm phí mua, bán chứng khoán.
Thế nhưng các bước đi này bị phủ bóng bởi những lo ngại rằng các nhà giao dịch ký quỹ sẽ tiếp tục bán khống vì nhận định thị trường sẽ đi xuống, sau khi độ rủi ro đã vượt ngưỡng bong bóng hồi năm 2007. “Tại thời điểm hiện nay, tâm lý đang tiến đến ngưỡng hoảng loạn và rất khó để chặn đà suy giảm. Các nhà môi giới có thể sẽ chọn cách giảm thiểu nguy cơ bằng cách đóng cửa các khoản nợ từ ký quỹ”, Bernard Aw, một nhà chiến lược tại Quỹ IG Asia Pte Ltd. ở Singapore nhận định.
"Diễn biến tại Trung Quốc sẽ đưa đến hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với tác động mà Hy Lạp có thể gây ra trong vài tuần hoặc vài tháng tới. Khi chứng khoán Trung Quốc mất đà tăng, mối nguy sẽ nằm ở chỗ tổng cầu ở đại lục có thể bị ảnh hưởng. Điều này sẽ đánh mạnh vào nền kinh tế được xem là đầu tàu của thế giới trong thập kỉ qua. Tình hình này nghiêm trọng không kém Hy Lạp, nhưng lại rất khó nhận ra tác động quyết định của nó với kinh tế toàn cầu", Frederic Neumann - trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC nhận định. Lý do nằm ở chỗ, thị trường vốn tại Trung Quốc vẫn có độ “đóng” nhất định trước các nhà đầu tư quốc tế.