Chứng khoán Trung Quốc lao dốc kỷ lục

Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, thị trường chứng khoán châu Á đã chứng kiến làn sóng giảm điểm, trong đó dẫn đầu là sàn giao dịch Thượng Hải, lớn nhất Trung Quốc. Bất chấp các nỗ lực của chính phủ nhằm hỗ trợ thị trường, ngày 27/7 sàn chứng khoán Thượng Hải chứng kiến sự giảm điểm mạnh nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.

Nhà đầu cơ Trung Quốc lo ngại trước sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán. Ảnh: AFP


Chốt phiên giao dịch ngày 27/7, chỉ số tổng hợp Thượng Hải giảm 8,48% xuống còn 3.725,26 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất trong một ngày của chỉ số này kể từ tháng 2/2007. Sự sụt giảm này cũng khác với bình thường ở chỗ, thị trường chứng khoán Trung Quốc Đại lục ít khi giảm vào phiên giao dịch đầu tuần.

Theo giới phân tích, nguyên nhân khiến chỉ số chứng khoán trên sàn Thượng Hải giảm mạnh ngày 27/7 là do những số liệu kinh tế mà Chính phủ Trung Quốc mới công bố, trong đó cho thấy nền kinh tế thứ hai thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, lợi nhuận của các công ty lớn trong tháng Sáu đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi kết quả một khảo sát mới nhất cho thấy, các chỉ số của khu vực sản xuất, thế mạnh của Trung Quốc, hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2014. Các nhà đầu tư cũng tỏ ra không mấy tin tưởng rằng các biện pháp mà Chính phủ Trung Quốc vừa triển khai sẽ phát huy tác dụng và giúp thị trường chứng khoán sớm phục hồi. Ngoài ra, việc thị trường Mỹ có 4 phiên giảm liên tiếp trong cuối tuần trước cũng góp phần đẩy các chỉ số trên sàn Thượng Hải lao dốc.

Không chỉ riêng sàn Thượng Hải, tình trạng giảm điểm diễn ra ở hầu hết thị trường chứng khoán châu Á- Thái Bình Dương. Chốt phiên giao dịch 27/7, sàn Hong Kong (Trung Quốc) mất 3,09%, các chỉ số chính trên sàn giao dịch Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,95% trong khi sàn Seoul (Hàn Quốc) giảm 0,35%. Các thị trường khác như Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand, Philippines cũng ghi nhận một ngày giảm điểm.

TTXVN/Tin tức
Kinh tế Trung Quốc đối mặt nhiều thách thức
Kinh tế Trung Quốc đối mặt nhiều thách thức

Trong một năm qua, kinh tế Trung Quốc luôn phải đối mặt với áp lực giảm tốc rất lớn. Một mặt là do những "đau đớn" đến từ sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mặt khác cũng phản ánh thực trạng mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc đã đi tới đường cùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN