Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp mang lại hiệu quả

Với mức tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp thành phố trung bình 5,8% trong những năm gần đây, trong khi mức tăng trưởng của cả nước là 3,3%, cho thấy chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang là một quá trình chuyển dịch đúng hướng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Làm giàu từ nông nghiệp đô thị

Xuất phát từ việc yêu thích hoa lan, bà Đặng Lê Thị Thanh Huyền đã trở thành chủ vườn lan Huyền Thoại - một mô hình điểm của nền sản xuất nông nghiệp đô thị thành phố hiện nay.

Trồng lan cắt cành tại TP.HCM mang lại lợi nhuận cao.


Bà Huyền cho biết, ban đầu là do yêu thích nên trồng chơi hoa lan Mokara. Đến đầu năm 2013, được sự khuyến khích của UBND huyện Củ Chi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sự hỗ trợ của UBND TP nên bà đã mạnh dạn chuyển đổi 5 ha đất trồng cây cao su sang trồng cây hoa lan, đồng thời đầu tư làm hệ thống tưới tự động, thuốc và phân bón, với tổng số tiền đầu tư hơn 10 tỉ đồng. Đây là một khoản đầu tư rất lớn, nhưng theo tính toán của bà, khi đi vào thu hoạch mỗi năm sẽ thu về 2 tỉ đồng từ tiền bán lan tại thị trường trong và ngoài nước. Bà Huyền chia sẻ: “Có thể phải mất 5-6 năm mới hòa vốn và có lãi, nhưng với tôi mỗi ngày được ngắm 140.000 gốc lan đã là cả một niềm vui vô bờ”.

Không phải những nông dân nhiều tiền mới có thể đầu tư để phát triển nông nghiệp theo mô hình này. Gia đình anh Trần Gia Huy ở huyện Bình Chánh cũng là một ví dụ. Là một nông dân với nhiều năm trồng rau xanh, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, với sự tư vấn, hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông huyện Bình Chánh, anh đã mạnh dạn gom góp vốn liếng và vay thêm ít vốn bỏ vườn rau chuyển sang đầu tư trồng lan. Ban đầu, vốn ít, anh chỉ làm vườn lan với quy mô nhỏ, sau đó mở rộng dần qua từng năm, đến nay vườn lan nhà anh đã rộng hơn 2.000 m2, đem về thu nhập cho gia đình mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Từ hiệu quả thực tế của mô hình này, mới đây anh đã gom vốn đầu tư thêm gần 2 tỷ đồng cho vườn ươm giống và phòng thí nghiệm, phát triển vườn lan với quy mô lớn, công nghệ cao nhằm tăng tối đa lợi nhuận.

Nhiều nông dân ở Củ Chi cho biết, với một vườn lan khoảng 5 ha, nếu chăm sóc tốt, có thể đạt lợi nhuận khoảng gần 2 tỷ/năm. Thị trường lan cắt cành và giống lan trong nước cũng rất nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, điểm phụ thuộc là phần lớn giống lan Mokara đang trồng ở Việt Nam là nhập từ Thái Lan vì hiện nay nông dân vẫn chưa làm chủ được công nghệ cấy mô để nhân giống lan. Để phát triển bền vững mô hình nông nghiệp đô thị, đòi hỏi các nhà khoa học phải giúp nông dân làm chủ công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

Hỗ trợ chuyển dịch nông nghiệp

Có thể nói, trong những năm qua thành phố đã có những định hướng đúng nhằm phát triển nông nghiệp đô thị, kịp thời có những chủ trương khuyến khích việc chuyển đổi, như hỗ trợ lãi vay ngân hàng để người dân mạnh dạn chuyển đổi. Từ năm 2006, thành phố đã có Quyết định 105, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị năng suất cao, sản xuất tập trung. Năm 2011, thành phố bổ sung bằng Quyết địn 36 sửa đổi cho phù hợp với thực tế để phát triển bền vững. Năm 2013 là Quyết định 13 về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với việc xây dựng nông thôn mới và kế tiếp là Quyết định 40, tăng thời gian lãi vay và bổ sung thêm danh mục hưởng ưu đãi…

Chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của thành phố là những “dấu ấn” quan trọng, tạo ra giải pháp mang tính đột phá trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Chỉ riêng Quyết định số 13 về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2013 - 2015 đã giúp hơn 15.000 lao động có việc làm, trong đó gần 2.000 lao động thuộc diện hộ nghèo, hơn 2.700 phương án sản xuất, kinh doanh được phê duyệt hỗ trợ với tổng vốn vay gần 1,8 tỷ đồng… Từ những định hướng trong chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp của thành phố, với mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp đô thị hiện đại, nhiều huyện ngoại thành đã sáng tạo trong thực hiện các mô hình kinh tế hợp tác, như lập các HTX sản xuất rau sạch, muối sạch, cây cá cảnh… với hiệu quả kinh tế cao.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, đến nay, thành phố đã có gần 2.000 ha hoa lan, cây cảnh. Sản xuất rau sạch đã tăng lên 12.000 ha và hình thành nhiều vùng rau sạch có uy tín trên thị trường, tạo thu nhập cao cho nông dân trồng rau sạch. Đàn bò sữa đạt gần 100.000 con… Riêng trong năm 2014, các doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước như Hà Lan, Italy, lãnh thổ Đài Loan, Campuchia 415 tấn hạt giống các loại như bắp, rau, đậu, hoa, cây ăn trái, xuất khẩu gần 300.000 lan cắt cành sang Campuchia với giá trị khoảng 3 tỷ đồng, xuất khẩu 1.000 cây sứ ghép sang Nhật Bản. Các doanh nghiệp cũng xuất khẩu gần 1.000 tấn rau quả như bí đỏ, bắp cải, rau thơm các loại, nghệ đen… sang các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á và khu vực Trung Đông. Ngoài ra còn có 11 triệu con cá cảnh và gần 16.000 cá sấu sống cùng với khoảng 1.500 bộ da cá sấu muối và da thuộc được xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Georgia và các nước châu Âu. Thành phố còn cung ứng trên 900.000 lợn giống, 24.000 con giống bò sữa đến các nhà chăn nuôi nhiều tỉnh, thành cả nước…

Với những thành công trong việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, hiện nay tại thành phố, thu nhập bình quân người dân ngoại thành bằng 80,5% người dân nội thành, giúp khoảng cách được rút xuống còn 1,2 lần so với 1,8 lần trước đó. Cùng với cả nước, thành phố đã huy động toàn lực xã hội để chung sức xây dựng, làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, từng bước xây dựng một nền nông nghiệp đô thị bền vững, hiệu quả cao.
Lê Hiền
Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp
Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa để nâng cao năng lực dự báo, thông tin cho người dân biết để định hướng sản xuất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN