Chuyển đổi kinh doanh mùa dịch COVID-19: Bài 1 - Doanh thu bán lẻ sụt giảm mạnh

Sức hút của thị trường bán lẻ tại Việt Nam rất cao, tuy nhiên trong mùa dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Để vượt qua khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp tính kế chuyển đổi phương thức kinh doanh trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Một cửa hàng bán lẻ tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. 

Tại hầu hết các tuyến đường ở trung tâm TP Hồ Chí Minh, hiện có nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini của nhiều thương hiệu mọc lên san sát nhau, gây sức ép cho các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Theo chủ cửa hàng bán lẻ truyền thống tại đường Tân Cảng (quận Bình Thạnh), từ khi 3 siêu thị mini và một siêu thị lớn xuất hiện trên tuyến đường này, hầu như các cửa hàng bán lẻ ở đây, kể cả chợ truyền thống bên cạnh, cũng thưa dần khách.

“Riêng cửa hàng của tôi, gần 3 năm nay doanh thu liên tục giảm, nhiều mặt hàng không nhập về thường xuyên như trước vì không có ai mua. Thi thoảng mới có vài đứa trẻ gần nhà mua bánh, mua kẹo ăn... Cũng may mặt bằng là của nhà, nếu không chúng tôi đóng cửa hàng từ lâu”, ông Tân - chủ cửa hàng tạp hoá trên đường Tân Cảng chia sẻ.

Còn tại cửa hàng tạp hoá Hoàng Yến - đại lý cấp 2 về bánh kẹo, sữa, nước ngọt gần nhà ông Tân, cách đây hơn 2 năm, lượng khách đến mua đông nườm nượp vì giá thành rẻ hơn các cửa hàng bán lẻ khác, kể cả siêu thị do được chiết khấu % cao. Tuy nhiên, trước sức ép của các cửa hàng bán lẻ hiện đại mới mở ra, lượng khách đến cửa hàng cũng sụt giảm đến 30%. Theo chủ đại lý, nhờ các bạn hàng có sẵn từ trước, cộng với giá đại lý cấp 2 và chuyên bỏ sỉ cho các cửa hàng bán lẻ khác nên khách giảm không nhiều, nhưng lượng cầu thì sụt giảm vì các cửa hàng bán lẻ bị ảnh hưởng, kéo doanh thu của cửa hàng cũng giảm theo. 

Tuy nhiên, không phải cửa hàng truyền thống nào cũng cầm cự được trong thời gian dài, nhất là trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Vì thế, từ cuối tháng 1/2020, đã có nhiều cửa hàng bán lẻ truyền thống phải đóng cửa do không đủ tiền thuê mặt bằng. Nhiều tuyến đường trước đây sầm uất mua bán nay cũng im lìm và treo biển cho thuê nhưng không có ai hỏi thuê. 

Ông Trần Văn Liêng, Chủ tịch HĐQT CTCP Việt Nam Ca Cao, cho biết bản thân ông cũng đang là "nạn nhân" của dịch COVID-19. Theo ông, trước khi có dịch COVID-19, sản phẩm thương hiệu Vinacacao của công ty phủ sóng khắp sân bay, doanh thu luôn cao và ổn định bởi đơn vị kinh doanh dịch vụ tại sân bay tháng nào cũng có doanh thu ít nhất một tỷ đồng. Thế nhưng cách đây một tháng, các khu bán hàng tại đây ảm đạm, không mấy người mua; nhiều gian hàng đóng cửa... Theo đó, doanh thu sản phẩm của công ty cũng sụt giảm mạnh đến hơn 50%. Ngay cả thương hiệu Nestle, chỉ riêng thị trường tại Lâm Đồng, cũng giảm đến 50% doanh số bán hàng. 

Cũng theo ông Liêng, đơn vị trên đã cho hơn 80% nhân viên nghỉ việc vì lượng khách đến sân bay giảm mạnh. Trung bình một đêm, lượng khách quốc tế đến sân bay chưa đến 10 người, vì thế rất nhiều nhân viên "ngồi chơi" vì không có khách mua, doanh thu theo đó cũng sụt giảm rất mạnh. Ông Liêng cho rằng, đây là ảnh hưởng chưa có tiền lệ, "một tai nạn từ trên trời rơi xuống" không ai có thể dự đoán được, vì thế sự đối phó dường như không kịp trở tay. 

Không chỉ các cửa hàng nhỏ, ngay cả các điểm bán lẻ là siêu thị, trung tâm thương mại cũng vắng khách vì dịch COVID-19. “Ví dụ, việc mời chào khách ăn thử sản phẩm tại các siêu thị, điểm bán tại trung tâm thương mại trước đây rất nhiều người quan tâm, nhưng nay thì không ai dám đụng vào vì sợ lây nhiễm dịch”, ông Liêng nói. 

Bà Huỳnh Minh Băng Nga, chuyên viên quản lý cấp cao tại công ty DKSH tại Việt Nam (doanh nghiệp chuyên phân phối, phát triển thị trường cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng tiêu dùng) cũng cho biết dịch COVID-19 bùng phát không chỉ ảnh hưởng mỗi Việt Nam mà cả toàn cầu, bởi DKSH là đơn vị phân phối sản phẩm có mạng lưới toàn cầu nên sự ảnh hưởng do tác động của dịch nhìn thấy rất rõ. 

“Thông thường quý I là quý bán hàng nhiều nhất, vì thế đơn đặt hàng của các nhà phân phối cho các nhà sản xuất cũng liên tục; thế nhưng, một tháng trở lại đây, doanh số giảm đến hơn một nửa vì các nhà phân phối không còn đặt hàng nhiều, thậm chí nhiều mặt hàng cũng ngưng sản xuất bởi doanh số bán ra tại các siêu thị giảm hơn một nửa, còn các cửa hàng bán lẻ gần như không đặt hàng. Đội ngũ bán hàng của các nhà phân phối gần 3.000 người cũng thất nghiệp vì các cửa hàng, đơn vị bán lẻ hiện đại lẫn truyền thống đều không có nhu cầu đặt mua. Tại các hệ thống siêu thị, những mặt hàng bánh kẹo của DKSH đặt mua trước tết, nay công ty đang rất “mệt mỏi” để giải quyết vấn đề tồn kho. Chỉ có một mặt hàng duy nhất của DKSH bán chạy là chất tẩy rửa Vinross, gần như "cháy hàng" và nhà máy sản xuất không kịp. Điều này cho thấy, sức "nóng" của mặt hàng diệt khuẩn, kháng khuẩn... thậm chí là khẩu trang đang "hút" hết năng lượng của thị trường trong mùa dịch COVID-19”, bà Nga cho biết.

Bài cuối: Ứng dụng công nghệ để vượt qua thách thức

Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
 Gỡ khó cho doanh nghiệp trước ảnh hưởng dịch COVID-19
Gỡ khó cho doanh nghiệp trước ảnh hưởng dịch COVID-19

Ngày 4/3, theo nguồn tin từ UBND tỉnh Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm đã chỉ đạo hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 do vius SARS-CoV-2 gây ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN