Theo bài viết, vai trò cũng như tiềm năng to lớn của Việt Nam vẫn chưa được đánh giá và khai thác đầy đủ. Việt Nam có diện tích và quy mô dân số không nhỏ, lại đang nằm ở trung tâm của nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam - một trong những nước đi đầu trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đang củng cố vị thế của mình không phải bằng các tuyên bố mà bằng các chỉ số kinh tế cụ thể.
Chuyên gia Trofimchuc khẳng định: “Ngay trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2020 vẫn là 2,91%. Sang năm 2021, theo dự báo của United Oversea Bank, tăng trưởng GDP của đất nước Đông Nam Á này có thể đạt 7,1%, nghĩa là cao hơn mức 6% đã được thiết lập. Như vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người nhanh nhất”.
Bài viết cũng trích dẫn các nguồn tin uy tín cho biết Việt Nam sẽ nằm trong số 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư trong khối ASEAN. Việt Nam cũng nằm trong số 10 quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới và trong nhóm 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.
Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ hỗ trợ “Ý tưởng Á - Âu” khẳng định Việt Nam đã chứng minh cho toàn thế giới thấy thương mại tự do sẽ vượt qua mọi rào cản và hạn chế giả tạo. Ông nhấn mạnh “môi trường đầu tư ổn định và an toàn được Chính phủ Việt Nam đảm bảo chính là một trong những nền tảng chính trị đáng tin cậy nhất để thực hiện các hoạt động kinh tế quy mô lớn và dài hạn”.
Bài viết cho rằng thập niên tới sẽ là thời kỳ tăng trưởng về chất đối với Việt Nam. Những thành công trong hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) đang khuyến khích các nước ASEAN khác tham gia tích cực hơn vào các quá trình hội nhập trong không gian Á-Âu.