Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2014 tăng 3,62% so với cùng kỳ năm trước. Giới chuyên gia kinh tế kỳ vọng: Lạm phát thấp là cơ hội để chính sách điều hành kinh tế chuyển trọng tâm từ kiểm soát lạm phát sang kích thích tăng trưởng.
Tốc độ tăng ở mức rất thấp
Đại diện Vụ Thống kê giá (TCTK) đánh giá: CPI 9 tháng năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp kể từ năm 2005 lại đây. Bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,25% thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Sau 9 tháng, CPI tăng 2,25% so với tháng 12/2013 và CPI 9 tháng năm nay tăng 4,61% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
CPI thấp, người dân bớt căng thẳng về giá cả.Ảnh: Lê Phú |
Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (TCTK) cho hay: Một số yếu tố kích thích CPI trong 9 tháng là tác động từ các chính sách điều hành của Chính phủ, giá dịch vụ y tế tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh Phú Yên, Tiền Giang tăng…; giá xăng dầu được điều chỉnh; tháng 9 có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí các loại.
Tuy nhiên cũng có nhiều yếu tố giữ cho CPI có mức tăng thấp như: Vụ đông xuân và hè thu được mùa trên cả nước nên nguồn cung lương thực dồi dào; giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định; giá gas thế giới giảm khiến giá gas trong nước 9 tháng đầu năm giảm 13,01% so với cuối năm 2013.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), trên cơ sở Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ ban hành đầu năm, các ngành các cấp đã tích cực triển khai thực hiện để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Để không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, ngành công thương đã phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán. Bộ Tài chính đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Chính sách điều hành kinh doanh xăng dầu cũng đã được Bộ Tài chính và Công Thương thực hiện linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường thế giới và trong nước. Ngoài ra, do tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu và tập trung vào các nhu cầu thiết yếu hàng ngày cũng là yếu tố hạn chế tăng giá.
Tìm cơ hội để kích thích tăng trưởng
Theo các chuyên gia kinh tế, khi CPI giữ được ở mức ổn định, NHNN có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành… sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm sẽ tạo điều kiện khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn, từ đó có tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng.
Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp thương mại (Bộ Công Thương) cho hay: Từ nay đến cuối năm, nếu không xảy ra đột biến về giá cả thì dự kiến CPI sẽ đạt ở mức 4 - 5%. Nỗi lo về lạm phát cũng đã giảm nhiều. Tuy nhiên, CPI tăng thấp cũng thể hiện nền kinh tế chưa hồi phục mạnh. Vì vậy, theo ông Phương, trong 3 tháng cuối năm, Chính phủ nên tập trung tăng tổng cầu nền kinh tế bằng các biện pháp kích thích đầu tư công. Đối với các doanh nghiệp tư nhân Nhà nước nên giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh tốt để doanh nghiệp hồi phục “sức khỏe”; thực hiện tốt việc tái cơ cấu kinh tế, cải cách doanh nghiệp Nhà nước.
Liên quan đến việc tăng cường nguồn vốn để hỗ trợ tăng trưởng, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: Lạm phát năm nay dự báo ở mức khoảng 5%. Điều hành lãi suất của NHNN phải tương ứng với diễn biến của lạm phát. Do đó, lãi suất huy động hiện đã giảm về 5%/năm. Nhiều ngân hàng cho vay dự án tốt, xuất khẩu chỉ với mức lãi suất 6%/ năm. Đại diện NHNN hy vọng, nguồn vốn TPCP được đẩy mạnh giải ngân, sử dụng hiệu quả thì sẽ góp phần hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp có dòng tiền, góp phần đẩy tín dụng toàn hệ thống tăng lên.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, với diễn biến kiểm soát lạm phát như hiện nay và trên nền tảng đã tạo dựng được ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam có thể từng bước chuyển trọng tâm chính sách từ kiểm soát lạm phát suốt từ năm 2012 đến nay sang kích thích tăng trưởng. “Về mặt vĩ mô, trước hết, chúng ta có thể chuyển trọng tâm sang kích thích tăng trưởng kinh tế từ giờ đến cuối năm. Nếu nhìn vào công cụ vĩ mô như chính sách tài khóa hay chính sách tiền tệ, chúng ta có thể nỗ lực kích thích và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước vì chúng ta có điều kiện thuận lợi từ nay đến cuối năm. Chúng ta cũng cần mạnh dạn tăng cung tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh”, ông Ánh nói.
Minh Phương