Cơ chế bình ổn châu Âu mất uy tín

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's ngày 30/11 đã hạ mức đánh giá tín nhiệm của Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) từ AAA xuống Aa1 với triển vọng tiêu cực.

Nguyên nhân của quyết định này bắt nguồn từ việc trước đó, Moody's đã hạ mức tín nhiệm đối với trái phiếu chính phủ của Pháp - nước đóng góp quan trọng cho quỹ ESM.

Ảnh minh hoạ.


Moody's cũng giảm mức tín nhiệm của Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) từ Aaa xuống Aa1.

Pháp là nước đóng góp tài chính lớn thứ hai cho ESM và EFSF, sau Đức. Cả hai cơ chế trên được thành lập nhằm đáp ứng kế hoạch cứu trợ cho các nước thành viên Khu vực đồng euro (Eurozone) gặp khó khăn.

ESM được thành lập để thay thế EFSF sẽ hết hiệu lực vào năm 2013.

Moody's cho rằng cả hai cơ chế cứu trợ trên hiện vẫn được đánh giá cao do có dự trữ vốn mạnh và kiểm soát chặt chẽ.

Trước đó, Moody's hạ một điểm đối với trái phiếu chính phủ Pháp từ mức cao nhất AAA xuống Aa1, đồng thời cảnh báo có thể còn tiếp tục hạ xếp hạng tín dụng của nước này.

Moody's đưa ra quyết định trên căn cứ vào 3 yếu tố. Thứ nhất, kinh tế Pháp đang mất dần khả năng cạnh tranh ở mức độ toàn cầu do những bấp cập kéo dài về cơ cấu như sự cứng nhắc trên các thị trường lao động và dịch vụ, cũng như tốc độ đổi mới chậm chạp. Điều này khiến nước Pháp trong tương lai sẽ phải đối mặt với những khó khăn về tài chính, trong khi vẫn phải chia sẻ trách nhiệm cứu trợ các nước thành viên yếu hơn trong Eurozone.

Thứ hai, tương lai tài chính của Pháp đang bị đe dọa bởi tình trạng nhu cầu giảm ở cả trong và ngoài nước mà nguyên nhân phần nào do thuế tăng và thu nhập thấp.

Cuối cùng, Moody's cảnh báo Pháp có thể "sa lầy" trong quỹ cứu trợ dài hạn ESM, trong khi Pari có nguy cơ gánh chịu rủi ro từ những "con bài đôminô" vỡ nợ công tiềm tàng như Italia, do các mối quan hệ về thương mại và ngân hàng của Pháp với các nước này.

Liên quan đến tình hình tài chính châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đề xuất trao cho Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề về cạnh tranh Joaquin Almunia, trách nhiệm lớn hơn trong việc đóng cửa các ngân hàng hoạt động yếu kém, vốn đang tồn tại nhờ nguồn quỹ của ngân hàng trung ương.

Liên minh châu Âu (EU) hiện thiếu những kế hoạch xuyên châu lục để giải thể các ngân hàng đang vật lộn với khó khăn.

Bên cạnh đó, ECB còn dự kiến thành lập một cơ quan giám sát độc lập đối với các ngân hàng châu Âu và soạn thảo một kế hoạch đảm bảo tiền gửi thống nhất trên toàn Eurozone.


TTXVN/Tin tức
Eurozone sẽ hồi phục vào cuối năm sau
Eurozone sẽ hồi phục vào cuối năm sau

Ngày 30/11, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Mario Draghi tuyên bố việc thống nhất ngân sách trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ dẫn tới tác động kinh tế trong ngắn hạn, nhưng sẽ đặt khối liên minh tiền tệ này vào lộ trình hồi phục trong nửa cuối năm 2013.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN