Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh- Bài 2: Nhanh tiến độ, chắc nội dung

Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 (ngày 24/11/2017), chỉ trong hơn 1 tháng, Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua toàn bộ các văn bản cần thiết để triển khai Nghị quyết. Cụ thể, Thành ủy có Nghị quyết 08, trên cơ sở đó, HĐND thành phố đã có Nghị quyết 25 triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, trong đó xác định những việc phải làm và lộ trình thời gian sắp tới.

UBND thành phố công bố kế hoạch xác định 21 đề án triển khai thực hiện Nghị quyết 54.

Theo UBND thành phố, trong năm 2018, Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị thông qua một số nhóm giải pháp quan trọng. Trước hết, về vấn đề thực hiện ủy quyền và phân cấp, việc này không tốn tiền, phải làm sớm, dự kiến trong tháng 3 có thể trình HĐND thành phố xem xét, thông qua. Tháng 4, thông qua Đề án quản lý doanh nghiệp Nhà nước; tiếp đó sắp xếp tên gọi một số đơn vị thuộc đơn vị Nhà nước. Tháng 5 trình Đề án điều chỉnh tên gọi các tổ chức trực thuộc sở, ngành của thành phố.

Một góc TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tràng Dương/TTXVN

Liên quan đến tài chính, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép trên cơ sở tăng năng suất, hiệu quả của thành phố và tiết kiệm thì có thể tăng thu nhập cho cán bộ công chức. Vấn đề này thành phố sẽ thực hiện trong thời gian sớm, đồng thời sẽ điều chỉnh, bổ sung một số lệ phí (như phí bảo vệ môi trường, nước thải công nghiệp...). Ngoài ra, Quốc hội cho phép thành phố huy động vay xã hội, phát hành trái phiếu địa phương. Dự kiến tháng 9 năm 2018 thành phố sẽ đề xuất vay bổ sung qua phát hành trái phiếu tạo động lực cho phát triển.

Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, UBND thành phố đã xác định cụ thể từng công việc thực hiện các nội dung của Nghị quyết 54 của Quốc hội, phân công trách nhiệm lãnh đạo, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố để triển khai có chất lượng, tạo sự đồng thuận của xã hội và đảm bảo tiến độ đề ra một cách khẩn trương.

Về các chương trình, đề án triển khai cụ thể, ông Nguyễn Thành Phong cho biết: UBND thành phố xác định 21 đề án, nội dung cần thực hiện, trong đó có 13 đề án, nội dung thực hiện thường xuyên và 8 đề án cần tổ chức nghiên cứu, đề xuất. Theo đó, 13 đề án, nội dung thực hiện thường xuyên gồm: Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND thành phố giai đoạn 2017-2020; sắp xếp tổ chức, điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố; sắp xếp lại, tinh gọn các ban quản lý các dự án của thành phố và quận, huyện; tạo cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học về công tác ở các sở - ban - ngành, các khu công nghệ cao; đề xuất danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; đề xuất danh mục các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của thành phố; đề xuất ứng vốn ngân sách thành phố thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng trên địa bàn thành phố thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương; thường xuyên rà soát các quy định khác nhau giữa Nghị quyết 54 với luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề.

Đối với các nguồn tài chính, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách thành phố từ nguồn vượt thu; dự toán, phân bổ ngân sách thành phố hàng năm; kế hoạch dài hạn sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp (ưu tiên đầu tư các công trình giao thông, giảm ngập nước); đề xuất phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước và từ nguồn chính phủ vay ngoài nước về cho thành phố vay lại; đề xuất tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia ngân sách hợp lý, tạo điều kiện cho thành phố có nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững.

Đối với các đề án cần nghiên cứu, đề xuất gồm các nội dung là phân cấp, ủy quyền gồm: khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập trên tất cả lĩnh vực từ thành phố đến quận - huyện, đề xuất phương án sắp xếp, giao quyền tự chủ, xã hội hóa ở một số lĩnh vực; mô hình cơ quan quản lý, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, đại diện sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; phối hợp các bộ ngành Trung ương thực hiện rà soát việc sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, triển khai các vấn đề liên quan đến các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí (trước mắt xác định 1-2 loại phí, lệ phí trình trong năm 2018); tăng mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí (trước mắt xác định 1-2 loại phí, lệ phí trình trong năm 2018).

Một lĩnh vực quan trọng chính là cải cách tiền lương, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập; thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường, trước mắt thành phố xác định 1-2 loại thuế trình trong năm 2018.

Theo lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu của các nội dung, đề án rất rõ ràng như việc xây dựng các mức phí, lệ phí mới hay tăng mức phí, lệ phí một số hàng hóa không nhằm tăng nguồn thu mà để kiểm soát xã hội. Ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh: Thành phố không khuyến khích những mặt hàng tiêu thụ đặc biệt như rượu, bia, thuốc lá... nên phải có mức tăng để kiểm soát hoặc đậu xe dưới lòng đường trung tâm phải có mức thu phù hợp chứ không để tình trạng đậu từ sáng đến chiều mà chỉ có 5.000 đồng.

Về tăng thu nhập cho tất cả cán bộ, công chức hưởng lương từ ngân sách, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố sẽ triển khai ngay trong năm 2018. Dự kiến năm 2018 tăng 0,6 lần; năm 2019 tăng 1,2 lần và năm 2020 tăng 1,8 lần. Nguồn tăng chủ yếu là nguồn tiết kiệm từ chi ngân sách thành phố kết hợp với sự tự chủ kinh phí của các đơn vị sự nghiệp.

Trước những lo ngại về những tác động đến xã hội khi triển khai các nội dung này, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, thành phố sẽ làm rất kỹ, tất cả đều được lấy ý kiến phản biện xã hội thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học.


(Bài 3: Khắc phục bất cập về các loại phí)

Anh Tuấn (TTXVN)
Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh: Bài 1: Tạo động lực phát triển  mới
Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh: Bài 1: Tạo động lực phát triển mới

Với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực, Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội (Nghị quyết 54 của Quốc hội) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh là một quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển của thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN