Video tàu chở hàng container trên sông Tiền
Chưa khai thác hết tiềm năng
Thống kê của Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam cho biết, từ năm 2011 đến nay, tuyến vận tải thủy thông thương biên giới Việt Nam - Campuchia qua sông Mekong, sông Tiền, sông Hậu đến Thủ đô Phnompenh của Campuchia rất sôi động, tăng từng năm. Tuy nhiên, tính bình quân mỗi năm, tuyến vận tải này mới vận chuyển được khoảng 1 triệu tấn hàng, chủ yếu là các mặt hàng xăng dầu, bê tông, thức ăn chăn nuôi, phân bón, bột mì, thiết bị, đậu tương, lúa mì, thép, bã đậu nành và nhập khẩu mì lát, bắp hạt, đường, phế liệu…
Tuyến vận tải xuyên biên giới này đầy tiềm năng phát triển, song những năm qua, hàng hóa vận chuyển chủ yếu chở bằng tàu thuyền trọng tải nhỏ, không phải tàu chuyên chở container. Bên cạnh đó, chưa thu hút được khách hàng vận chuyển hàng hóa giá trị lớn.
Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Hoàng Hồng Giang chia sẻ: Tuyến vận tải này được mở theo Hiệp định vận tải thủy giữa hai nước, được hai Chính phủ ký kết năm 2009. Nhưng phải đến năm 2011, hoạt động vận tải mới thực sự bắt đầu. Và chỉ vài năm gần đây, khi tàu container vào được các cảng bến thủy nội địa, hàng hóa xuất khẩu bằng container mới tăng được hơn 2,5 lần so với năm đầu tiên mở tuyến, đạt mức hơn 10.000 Teus/năm (1 Teus bằng 1 container khoảng 40 tấn).
Tàu vận chuyển container trên sông Đồng Nai. |
Cục ĐTNĐ Việt Nam hiện đang nỗ lực triển khai Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do khu vực ở cửa sông Bắc Luân, mở tuyến vận tải thủy xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc qua khu vực Móng Cái, Quảng Ninh. Hiệp định được hai nước ký kết năm 2015 và có hiệu lực từ 16/6/2016. Cục đã tổ chức khảo sát 10 km đường thủy quốc gia tại khu vực Móng Cái để phục vụ công bố tuyến đường thủy quốc gia nối với tuyến đường thủy quốc gia đã có với sông Bắc Luân. |
Còn theo ông Lê Hoàng Linh, Giám đốc Công ty Vận tải thủy thuộc Tổng công ty Vận tải Tân Cảng Sài Gòn, tuyến vận tải thủy bằng container sang Campuchia có tiềm năng khoảng 100.000 Teus/năm, nhưng chính sách về quản lý hàng hóa quá cảnh không cho phép một số mặt hàng đi qua, nên hàng hóa phải đi vòng bằng đường biển rồi đường bộ qua nước khác để vào Campuchia. Thực tế này làm giảm phần lớn hàng hóa quá cảnh cho phép và khó tạo được nguồn hàng nhập khẩu ổn định.
Trong khi đó, theo hiệp định ký kết, phương tiện thủy của Việt Nam chỉ cần Giấy phép vận tải thủy xuyên biên giới do Cục ĐTNĐ Việt Nam cấp, nhưng thực tế phía cơ quan chức năng lại cấp thêm giấy phép vận tải qua biên giới. Điều này cũng cản trở lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.
Ưu tiên phát triển 2 tuyến vận tải thuỷ trọng điểm
Ông Hoàng Hồng Giang cho biết, những vướng mắc trong vận tải thủy xuyên biên giới Việt Nam - Campuchia đã được cơ quan chức năng hai bên ghi nhận, thống nhất giải quyết để tạo thuận lợi cho vận tải thủy liên vận.
Tại Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 3 được tổ chức vào đầu tháng 4/2018 tại Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia thống nhất giao Bộ GTVT hai nước rà soát, xem xét khả năng bổ sung Hiệp định vận tải thuỷ song phương cho phù hợp với tình hình mới, đáp ứng tối đa việc giao lưu tàu thuyền và hàng hoá qua lại hai nước. Như vậy tới đây, tuyến vận tải thủy Việt Nam - Campuchia sẽ càng có cơ hội phát triển, tạo sức hấp dẫn hơn cho đường thủy khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, vận tải ĐTNĐ đầy tiềm năng, nhưng vẫn chỉ là những dòng chảy không tải, ít lợi nhuận, chưa được khơi thông. Do đó, ngành sẽ mạnh tay, quyết liệt dẹp bỏ những rào cản, không để thủy lộ mênh mông, mà hàng hóa thì vẫn quá tải trên đường bộ.
Để khơi thông tiềm năng, từ năm 2017 đến nay, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã và đang ưu tiên phát triển vận tải trục hành lang số 1 (Việt Trì - Quảng Ninh) ở phía Bắc và trục số 2 (TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - biên giới Campuchia) ở phía Nam theo phương châm thuận lợi nhất về hạ tầng, cơ chế để tạo đột phá vận tải.
Bộ GTVT cũng đang kiến nghị Chính phủ hình thành gói tín dụng cho vay phát triển đội tàu sông pha biển, sau đó kết nối các cảng vận chuyển hàng hoá Bắc – Nam, nhằm kéo được hàng hoá xuống ĐTND xuất ngoại; đồng thời khuyến khích thành lập các tập đoàn vận tải thuỷ tư nhân để tăng sức cạnh tranh và tạo được hấp lực cho ĐTNĐ vận tải xuyên quốc gia.