Theo đó, Nghị định 114/2020/NĐ-CP nêu rõ thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về ý nghĩa cũng như lợi ích từ Nghị định 114/2020/NĐ-CP mang lại cho khu vực hợp tác xã.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Vậy, theo ông điều này có ý nghĩa như thế nào với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nhất là trong bối cảnh khu vực kinh tế này đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19?
Ngày 25/9 mới đây Chính phủ đã ban hành Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Đối với tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã năm 2012 bao gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; đến tháng 6/2020, cả nước có 25.282 hợp tác xã, 91 liên hiệp hợp tác xã, thu hút trên 7 triệu thành viên và gần 3 triệu lao động, tác động trực tiếp đến thu nhập và đời sống của trên 30 triệu người, chủ yếu ở địa bàn nông thôn.
Đây là nhóm có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, đặc điểm của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã rất dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh.
Đáng lưu ý, trong thời gian qua, dịch COVID-19, dịch cúm gia cầm và dịch tả lợn châu Phi ở nhiều địa phương, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long đã làm cho nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị thiệt hại, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, doanh thu, lợi nhuận giảm mạnh.
Thống kê cho thấy, khu vực hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp doanh thu, lợi nhuận giảm từ 30 - 40%; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng giảm từ 60 - 70%; lĩnh vực dịch vụ vận tải giảm từ 40 - 50%; lĩnh vực thương mại, dịch vụ giảm từ 30 - 50%.
Vì vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2020/NĐ-CP, theo đó giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong thời điểm khó khăn bởi đại dịch COVID-19 là rất kịp thời và có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự động viên, chia sẻ kịp thời của Nhà nước chấp nhận giảm thu ngân sách để gỡ khó cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Hơn nữa, điều này còn góp phần giúp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có động lực tồn tại và phát triển, vượt qua được khó khăn, có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, qua đây cũng giảm chi phí trả lãi tiền vay, từ đó giảm giá thành, giảm chi phí sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế bền vững.
Vậy ông có thể đưa ra nhận định về lợi ích của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã khi Nghị định 114/2020/NĐ-CP được ban hành?
Việc Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết, Nghị định về giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã đã mang lại nhiều lợi ích và tác động lớn tới hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Cụ thể, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, giúp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, tăng tích tụ về tài sản không chia như vốn của hợp tác xã để tái đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, Nghị định 114/2020/CP-NĐ còn giúp hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị hợp tác xã và tay nghề cho thành viên và người lao động; nâng cao khả năng cạnh tranh của hợp tác xã trên thị trường.
Không những thế, điều này sẽ khuyến khích các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương, tăng thu nhập cho người dân; đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ biên giới, chủ quyền quốc gia, bảo vệ môi trường, gắn với phát triển bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn ông!