Trong thời gian gần đây, một số lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Định đề nghị với Chính phủ cho cổ phần hoá 100% cảng biển Quy Nhơn – Bình Định. Lý do được đưa ra nhằm huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cầu cảng, đáp ứng nhu cầu hàng hoá thông qua cảng ngày càng tăng. Tàu trọng tải lớn cập cảng Quy Nhơn bốc xếp hàng. Ảnh: Ly Kha–TTXVN |
Tuy nhiên, ý kiến của một số người đã từng làm lãnh đạo tỉnh và các chuyên gia kinh tế cho rằng không nên cổ phần hoá 100% cảng Quy Nhơn, mà chỉ nên cổ phần hoá 49% (51% còn lại nhà nước nắm giữ) để đầu tư mở rộng qui mô khai thác cảng biển này.
Bởi, cảng biển Quy Nhơn là một cảng biển nước sâu, kín gió, ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế thì khu vực này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc phòng. Do vậy, nếu cổ phần hoá 100% cho nhà đầu tư (trong, hoặc ngoài nước), sau này, việc sử dụng cảng biển phục vụ quốc phòng an ninh sẽ khó khăn.
Mới đây khi báo cáo với Đoàn công tác Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh về vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp, ông Lê Hữu Lộc, chủ tịch UBND tỉnh đã nhắc đến vấn đề, Bến xe khách Trung tâm được cổ phần hóa đã bị bán hẳn sang cho một công ty tư nhân. Trong khi đó, khu vực bến xe này được xây dựng tại phần đất giải phóng của nghĩa địa. Điều này gây bức xúc cho người dân địa phương.
Cảng biển Quy Nhơn trước ngày giải phóng được chính quyền chế độ cũ sử dụng cảng quân sự phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước 1975, cảng Quy Nhơn được đưa vào làm nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định. Đồng thời, cảng này trực thuộc Tổng công ty hàng hải Việt Nam quản lý.
Đến nay, cảng biển Quy Nhơn không ngừng phát triển, tổng sản lượng hàng hoá thông qua cảng biển tăng từ 5 triệu tấn vào năm 2012 lên hơn 5,8 triệu tấn vào 2013 và năm 2014 dự kiến đạt trên 6 triệu tấn. Hiện đây cũng là một trong 3 cảng biển lớn ở nước ta.
Viết Ý