Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, đến hết quý III/2017, ngành dệt may đã đạt gần 23 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,8% so với cùng kỳ, hoàn thành trên 75% kế hoạch xuất khẩu cả năm.
Dự báo quý IV sẽ đạt 8 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm của ngành lên 31 tỷ USD, tăng 10% so với năm ngoái. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có mức tăng trưởng tốt.
Vẫn chủ yếu gia công
Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng do phương thức sản xuất chủ yếu là gia công cho nước ngoài nên tỷ lệ giá trị gia tăng của ngành dệt may Việt Nam không cao. Một trong những điểm yếu hiện nay của ngành là chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may.
Các chuyên gia cho rằng, ngành dệt may cần phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để có thêm giá trị gia tăng. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh, năm 2018 sẽ là năm ngành dệt may có nhiều triển vọng nếu thực hiện các chiến lược một cách bài bản và đúng hướng. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang nghiên cứu phương thức kinh doanh hiệu quả hơn, taọ ra giá trị mới nhiều hơn, ví dụ như làm FOB, ODM (tham gia thêm các khâu nguyên liệu, thiết kế), tạo thêm giá trị mới và giảm bớt giá trị gia công.
Ông Hồng lưu ý, cần khai thác tối đa thị trường nội địa hơn 90 triệu dân. Bên cạnh việc duy trì và phát triển xuất khẩu vào các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, cần chú trọng phát triển các thị trường khác như ASEAN, Liên minh Á - Âu, Ấn Độ, các nước châu Mỹ - Latinh… trong đó cần tạo dựng mối liên kết với hệ thống phân phối ở thị trường sở tại.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào các khâu: sản xuất sợi, dệt, nhuộm, đồng thời nghiên cứu và thu hút mọi nguồn lực để phát triển các nhà máy dệt may thông minh.
Lo chi phí cao, đơn giá hạ
Theo ông Phạm Xuân Hồng, việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã phần nào tác động tiêu cực tới ngành. Một số khách hàng có ý định chuyển đơn hàng về Việt Nam có dấu hiệu chững lại khiến xuất khẩu dệt may năm 2016 rơi vào tình trạng ảm đạm.
Tuy nhiên, đến nửa cuối năm 2017, các doanh nghiệp trong ngành đã nhanh chóng cải thiện hệ thống sản xuất, tập trung vào một số mặt hàng thế mạnh, đồng thời đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường nên tình hình xuất khẩu của ngành được cải thiện đáng kể.
May hàng xuất khẩu tại Công ty CP Dệt may Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Sang năm 2018, ông Hồng lo lắng, ngành sẽ bị cạnh tranh dữ dội bởi các nước Myanmar, Campuchia, Bangladesh... Chi phí về bảo hiểm, đất đai, thuế... của các quốc gia này thấp hơn so với Việt Nam.
Thị trường xuất khẩu cũng chưa thực sự thuận lợi, xu hướng thời trang nhanh khiến yêu cầu về thời gian giao hàng ngày một ngắn lại, từ 30 - 45 ngày xuống còn 15 ngày cũng tạo áp lực lớn cho nhà sản xuất.
Do cạnh tranh khốc liệt nên các chuyên gia lo ngại đơn giá của dệt may Việt Nam sẽ bị ép xuống. Một doanh nghiệp may tại Hưng Yên cho biết, năm 2018 lượng hàng sẽ không thiếu nhưng đơn giá các mặt hàng sẽ bị ép xuống. Đây là tình hình chung ở tất cả các thị trường và là điều đáng lo cho doanh nghiệp.