Để xử lý vấn nạn bơm nước vào lợn, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, ít nhất phải tăng mức phạt lên gấp đôi so với hiện nay, từ 5 triệu đồng lên thành 10 triệu đồng, buộc tiêu hủy sản phẩm, thu giữ các phương tiện bơm nước để mang tính răn đe hơn.
Lợn bị bơm nước căng tròn, không đứng nổi tại lò mổ ở phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai. Một lái lợn tại lò mổ này cho biết: Họ thường bơm nước đến khi nào lợn ngã xuống thì sẽ đem ra giết mổ. |
Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Tổng Cục thủy sản... sẽ sửa đổi Nghị định 119 xử phạt trong công tác thú y, giống vật nuôi, thủy sản, thức ăn chăn nuôi... để phù hợp với Luật Thú y mới được ban hành, phù hợp với điều kiện hiện nay. Mức xử phạt tiền sẽ tăng lên để răn đe. Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, tăng phạt tiền không phải là yếu tố quyết định để xử lý triệt để, mà phải yêu cầu các trạng trại khắc phục hậu quả, ví dụ tiêu hủy các sản phẩm đó, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những vi phạm, để người tiêu dùng tẩy chay. Trong trường hợp vi phạm nhiều lần, có thể hình sự hóa các trường hợp này. Như vậy, mới đủ sức răn đe các cơ sở bơm nước vào sản phẩm chăn nuôi”.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho rằng, việc xử phạt bằng tiền không quan trọng bằng việc thông tin rộng rãi các cơ sở vi phạm để người tiêu dùng tẩy chay. Đối với những trang trại bơm nước vào lợn lần đầu tiên thì phạt tiền, đồng thời tuyên truyền mạnh trên hệ thống thông tin địa phương, để người dân biết và nhắc nhở doanh nghiệp. Lần thứ hai tái phạm có thể đóng cửa, buộc tiêu hủy sản phẩm. Như vậy, sẽ có tính răn đe cao hơn là việc chỉ tăng mức xử phạt.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền để người dân tố giác là rất quan trọng. Vì hiện nay, các cơ sở thực hiện bơm nước tinh vi hơn, thay vì bơm tại lò mổ, họ có thể bơm trên xe chuyên trở, tại các nơi khác... với việc giám sát của người dân, kết hợp với công tác kiểm tra liên ngành, kiểm tra đột xuất để bắt các trang trại này mới đem lại hiệu quả. Như vậy, mới giải quyết triệt để vấn nạn này. Với vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, để hạn chế tình trạng này, người tiêu dùng cần phải thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm. Hiện nay, Cục Chăn nuôi đang phối hợp với cơ quan chuyên ngành hóa chất để tìm các giải pháp tăng cường nhận diện chất Vàng ô. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo các tỉnh, thành phố đồng loạt ra quân kiểm tra chất cấm chăn nuôi, phát huy tinh thần xã hội hóa giám sát và tố giác tội phạm.
Cục Chăn nuôi cũng phối hợp với các nhà khoa học vừa sản xuất thành công que thử chất cấm trong chăn nuôi. Thông qua thử nước tiểu, trong vòng 5 phút sẽ cho kết quả phát hiện ra các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi như kháng sinh, chất tạo nạc... Chi phí chỉ khoảng 100.000 đồng/que. Cục Chăn nuôi đang kiến nghị để áp dụng rộng rãi thiết bị này, giảm thiểu tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, nếu không chấn chỉnh ngay các hành vi trên, thì chưa cần tham gia vào TPP, ngành chăn nuôi sẽ thua trên sân nhà bởi thực phẩm sử dụng chất cấm, khi đó người tiêu dùng sẽ tẩy chay và sử dụng các sản phẩm an toàn, trong đó cả sản phẩm nhập ngoại.