Kênh truyền hình CNN dẫn một bản báo mới đây của Trung tâm cố vấn tài chính EY đưa tin các ngân hàng và công ty tài chính đã chuyển ít nhất 1.000 tỷ USD tài sản rút khỏi Anh sang các nước khác trong Liên minh Châu Âu (EU) vì lo sợ Brexit.
Rất nhiều ngân hàng thiết lập văn phòng mới tại các nước thành viên EU để đảm bảo hoạt động của họ không bị ảnh hưởng thời hậu Brexit. Điều đó có nghĩa là họ cũng chuyển tài sản tới các nơi đó để thích ứng với quy định EU.
Nhiều ngân hàng như Deutsche Bank, Goldman Sachs và Citi đã chuyển bộ phận kinh doanh ra khỏi Vương quốc Anh. Các thành phố Dublin, Luxembourg, Frankfurt và Paris là những địa điểm được chọn nhiều nhất để đặt văn phòng.
Trong khi đó, các công ty khác di chuyển tài sản để bảo vệ khách hàng trước sự biến động của thị trường và sự thay đổi đột ngột trong điều lệ.
“Con số mà chúng tôi đưa ra chỉ phản ánh những động thái công khai. Chúng tôi biết ở phía sau, các công ty đều ngấm ngầm tiếp tục kế hoạch cho một kịch bản ‘không thỏa thuận’,” Omar Ali – người đứng đầu trung tâm cố vấn tài chính EY - nhận định.
Đối với các công ty tài chính, một Brexit không thỏa thuận sẽ là ác mộng. Các ngân hàng sẽ tự mình mắc kẹt trong lỗ hổng pháp lý, khi không thể tiếp tục công việc làm ăn trên khắp EU. Mặc dù EU cho biết họ sẽ thực hiện một số biện pháp để tránh xảy ra cuộc khủng hoảng hoàn toàn, nhưng kế hoạch dự phòng đó chỉ là một giải pháp ngắn hạn nhằm bảo vệ lợi ích của EU.
"Các công ty dịch vụ tài chính không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chuẩn bị đối mặt với viễn cảnh Brexit 'không thỏa thuận'," Giám đốc Ali nói.
EY chịu trách nhiệm theo dõi 222 công ty dịch vụ tài chính lớn nhất ở Anh kể từ khi cuộc trưng cầu dân ý Brexit nổ ra vào tháng 6/2016.
Anh dự kiến rời EU trong 81 ngày tới, song Thủ tướng Anh Theresa May vẫn cần sự ủng hộ của Quốc hội Anh để đạt được một thỏa thuận "ly hôn" với các nước EU còn lại.
Theo kế hoạch, Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận trong tuần tới. Nếu Thủ tướng May vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Quốc hội, khiến nguy cơ nước này rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào đạt được sẽ tăng vọt. Ngân hàng Anh cho biết viễn cảnh đó còn đem lại kết quả tồi tệ hơn lần khủng hoảng tài chính 2008.
Theo Cơ quan Quản lý City of London Corporation, ngành dịch vụ tài chính tạo ra công ăn việc làm cho 2,2 triệu người tại Anh, đóng 100 tỷ USD tiền thuế/năm và đóng góp 12,5% cho GDP quốc gia.