Đây là cống ngăn mặn giữ ngọt có vị trí chiến lược cho vùng ngọt hóa thuộc tiểu vùng III - Bắc Cà Mau, với tổng diện tích hơn 50.000 ha. Hiện tại, nước mặn xâm nhập vào bên trong làm cho mực nước sông Trùm Thuật dâng cao từ 15 - 20 cm.
Ông Trần Triều Tiên, Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời thông tin, nước mặn đã chảy luồn phía dưới cống thủy lợi vào trong nội đồng của vùng ngọt hóa. “UBND xã đang tích cực vận động người dân không nên lấy nước từ các kênh, rạch để bơm vào ruộng hay dùng làm nước tưới tiêu cho hoa màu. Chỉ tính riêng xã Khánh Hải đã có trên 3.700 ha canh tác lúa”, ông Trần Triều Tiên cho biết.
Trước tình hình trên, các ngành chức năng đã cho đóng tất cả các cống thủy lợi trên địa bàn xã Khánh Hải, không cho nước mặn lấn sâu vào vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời; đồng thời, huy động nhiều phương tiện, lực lượng đắp đập tạm nhằm ngăn nước mặn tiếp tục tràn vào và dùng máy bơm để bơm nước mặn ra ngoài...
Dù chỉ mới bước vào mùa khô năm 2019-2020 chưa lâu, nhưng tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại tỉnh Cà Mau đã diễn ra gay gắt. Trong đó, huyện Trần Văn Thời là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn nhất trước tình trạng trên.
Theo thống kê từ UBND huyện Trần Văn Thời, hiện tại các vùng sản xuất lúa - tôm, độ mặn tăng cao đã gây thiệt hại 327,3 ha, tập trung tại hai xã Lợi An và Phong Lạc. Cùng với đó, huyện có khoảng 150 ha lúa vụ Đông - Xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh bị thiếu nước nghiêm trọng, khả năng thiệt hại hoàn toàn là khó tránh khỏi.
Bên cạnh đó, mực nước dưới các tuyến kênh vùng ngọt hóa trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã khô kiệt, gây nên tình trạng sụt lún đất khá nghiêm trọng dọc theo tuyến kênh, gây hư hỏng lộ giao thông nông thôn. Đến nay, toàn huyện đã có 81 tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài trên 6,7 km. Trong đó, tình trạng sạt lở, sụt lún đất do khô hạn các tuyến kênh diễn ra tại 9 xã vùng ngọt, trong đó nhiều nhất tại xã Khánh Hải với 14 điểm và tổng chiều dài trên 1.500 m.
Ngoài ra, hiện có đến 142 hộ có nguy cơ thiếu nước ngọt sinh hoạt, dự báo con số này sẽ tăng nhanh lên 780 hộ trong thời gian ngắn sắp tới. Đặc biệt, hộ dân trên đảo Hòn Chuối, hiện rất cần được cung cấp nước ngọt từ đất liền khi trên đảo không có nguồn nước.
Với diễn tiến của khô hạn đang khốc liệt và dự báo kéo dài đến hết tháng 4, tình hình này sẽ còn diễn ra trên địa bàn ngày càng nghiêm trọng hơn.