Trong một bài đăng trên báo Bangkok Post ngày 15/4, ASPS nhận định rằng xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào nguồn cung dầu thô của Nga đã khiến giá năng lượng tăng và tác động không đều đến một số lĩnh vực, như các lĩnh vực tài chính và tiêu dùng. Tình hình xung đột cũng đã tác động đến cả thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán, tuy nhiên những tác động này đã được hạn chế. Theo Phó Giám đốc điều hành ASPS Therdsak Thaveeteeratham, công ty môi giới này tin rằng ảnh hưởng của cuộc chiến đối với các thị trường trái phiếu và chứng khoán sẽ giảm dần.
Ông Therdsak Thaveeteeratham cho rằng để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ tăng lãi suất ngắn hạn và sự suy giảm vốn trong hệ thống sẽ trực tiếp gây áp lực lên giá cả của tất cả các tài sản, bao gồm cả tiền điện tử và vàng.
Để tránh rủi ro, ASPS khuyến nghị đầu tư vào Việt Nam. Theo công ty này, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ dân số trong độ tuổi lao động lớn và mức lương tối thiểu tương đối thấp.
Theo ASPS, đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quý I/2022 của Việt Nam đã tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp đại dịch COVID-19, do nhiều tập đoàn hàng đầu toàn cầu như Apple, Samsung và Toyota bắt đầu mở rộng thị trường tại đây. ASPS dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 5-7% cho đến năm 2028, vượt cả Thái Lan và Singapore.
ASPS cũng cho rằng việc chỉ số chứng khoán Việt Nam chỉ giảm 2% kể từ đầu năm nay - một mức tương đối khiêm tốn trong bối cảnh chỉ số S&P 500 đã giảm 10% - thể hiện sự ổn định của chỉ số này bất chấp những bất ổn của thế giới.