Đại diện Việt Nam tham dự nhằm giới thiệu tới các doanh nghiệp về chính sách thu hút vốn đầu tư cũng như các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU (EVFTA) và với Anh (UKVFTA).
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, tại hội thảo, các chuyên gia về tài chính, ngân hàng và đầu tư nhấn mạnh hình ảnh một ASEAN hấp dẫn, một công xưởng sản xuất toàn cầu. Trong bối cảnh chi phí lao động gia tăng, những lo ngại về chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị, các doanh nghiệp quốc tế ngày càng thúc đẩy việc chuyển dịch tỷ trọng sản xuất sang ASEAN, trong đó Singapore, Indonesia và Việt Nam đã đón nhận 80% dòng vốn mới trong năm 2019.
Các đại biểu tập trung thảo luận về xu hướng tăng trưởng, lợi thế cạnh tranh và những tiến bộ về công nghệ trong ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, như một công xưởng sản xuất toàn cầu tiếp theo. Bên cạnh đó, ASEAN cũng là một trong những nền kinh tế số phát triển nhanh nhất trên thế giới, với ước tính việc tích hợp kỹ thuật số trong khu vực có thể tạo ra thêm 1.000 tỷ USD vào GDP vào năm 2025.
Việc áp dụng và chuyển đổi kỹ thuật số với tốc độ nhanh của ASEAN cũng như cách tận dụng thương mại điện tử và dữ liệu lớn đang được các công ty chú trọng trong chiến lược mở rộng doanh nghiệp ở ASEAN. Ngoài ra, việc ổn định bền vững chuỗi cung ứng là một trong những ưu tiên trong ASEAN khi các công ty đã và đang áp dụng công nghệ nhằm giảm lãng phí và tăng tính hiệu quả, hướng tới việc thiết lập một mạng lưới Số hóa - Bền vững - Minh bạch trong ASEAN.
Theo HSBC, Việt Nam là nền kinh tế vận hành hiệu quả hàng đầu ở châu Á trong năm 2020 với mức tăng trưởng 2,9% và quốc gia Đông Nam Á này cũng là đích đến của nhiều công ty đa quốc gia muốn chuyển chuỗi cung ứng và trung tâm sản xuất sang ASEAN. Để làm rõ các chính sách ưu việt của Việt Nam cũng như các cơ hội mà EVFTA và UKVFTA mang lại, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hải - Tham tán phụ trách bộ phận đầu tư Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, nêu bật những cơ hội đạt tăng trưởng tại Việt Nam cũng như các cơ hội mà doanh nghiệp EU và Anh có thể nắm bắt.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hải, Việt Nam từ lâu đã thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong khi đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm huy động tốt hơn các nguồn lực và tạo động lực mới cho phát triển. Việt Nam cũng khuyến khích phát triển và mở rộng các ngành định hướng xuất khẩu và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh những tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do "thế hệ mới" (như EVFTA, UKVFTA, CPTPP, RCEP), sự ổn định về chính trị và xã hội ở Việt Nam cũng khiến nước này trở thành điểm đến hấp dẫn về kinh tế và đầu tư cho các doanh nghiệp quốc tế.
Về chính sách thu hút FDI, ông Nguyễn Mạnh Hải cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, trong đó xây dựng một lộ trình thu hút FDI "thế hệ mới". Chiến lược này được cho là sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu mà điểm nhấn chính sẽ là chuyển trọng tâm từ thu hút các nhà đầu tư phù hợp với sản phẩm của Việt Nam sang phát triển môi trường kinh doanh và điều kiện đầu tư phù hợp với loại hình đầu tư mà Việt Nam hướng tới trong tương lai.
Một trong số các hoạt động xúc tiến đầu tư thời gian tới là kế hoạch thực hiện hộ chiếu vaccine, hiện đang được áp dụng thí điểm ở Quảng Ninh trong tháng 7/2021. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có kế hoạch tổ chức Diễn đàn Đầu tư số Việt Nam 2021, dự kiến vào quý 3/2021; nâng cấp và duy trì hoạt động của hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, xúc tiến đầu tư và trang thông tin điện tử giới thiệu về môi trường đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế; tổ chức một số hội thảo, diễn đàn xúc tiến đầu tư khác...
Liên quan tới tác động của các FTA giữa Việt Nam với EU và Anh, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hải nhấn mạnh, trong năm 2020, Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu ròng vào thị trường EU với mức thặng dư thương mại trên 29,3 tỷ USD. Ngay cả khi chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU vẫn đạt 49,78 tỷ USD trong năm 2020, chỉ giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2019. EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang tích cực nhập khẩu hàng hóa của EU, với kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2020 từ châu Âu vào Việt Nam đạt 14,64 tỷ USD, tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2019. Các hiệp định EVFTA và UKVFTA không chỉ thúc đẩy hoạt động thương mại giữa EU và Anh với Việt Nam, mà còn giúp thúc đẩy FDI vào Việt Nam, chủ yếu do tác động tích cực từ việc loại bỏ 99% thuế quan và giảm bớt các rào cản.
Một tác động tích cực khác của hai hiệp định thương mại này là giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho cả EU/Anh và Việt Nam, thúc đẩy FDI do mở rộng thị trường. Ngoài ra, hai hiệp định cũng giúp thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nghề ở Việt Nam; và tăng cường quan hệ văn hóa, xã hội giữa hai bên.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Mạnh Hải cho biết, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã đề ra các kế hoạch để cải thiện môi trường thương mại và đầu tư, trong đó chủ yếu tập trung vào sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số. Việc áp dụng công nghệ mới sẽ có tác động tích cực đến bối cảnh đầu tư tại Việt Nam, bởi điều đó sẽ giúp Việt Nam đi lên trong chuỗi giá trị.
Ông cũng cho biết trong vài thập kỷ qua, nhiều công nghệ mới đã được áp dụng như các công nghệ mới trong ngành chế biến, chế tạo, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh,... Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và công nghệ thông tin là một trong số những lĩnh vực được ưu đãi đầu tư đặc biệt tại Việt Nam.