Kết luận trên được đưa ra trong khảo sát hằng năm về người giàu do Ngân hàng Credit Suisse, có trụ sở tại Zurich (Thụy Sĩ), tiến hành và công bố ngày 21/10. Theo đó, tính đến giữa năm nay, Trung Quốc có 100 triệu người nằm trong tốp 10% giàu nhất thế giới, so với 99 triệu người tại Mỹ.
Chuyên gia kinh tế tại Credit Suisse, bà Nannette Hechler-Fayd'herbe, cho hay bất chấp căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài hơn 1 năm qua, cả hai quốc gia này vẫn dẫn đầu về số người giàu trên thế giới với tổng giá trị tài sản của các triệu phú tại hai nước lần lượt là 3.800 tỷ USD và 1.900 tỷ USD.
Khảo sát cũng cho thấy số triệu phú trên toàn thế giới đã tăng thêm 1,1 triệu người, lên mức 46,8 triệu người, nắm giữ khối tài sản vào khoảng 158,3 nghìn tỷ USD, chiếm tới 44% tổng tài sản toàn cầu. Một nửa trong mức tăng là công dân Mỹ với 675.000 người. Trong khi đó, số triệu phú là người Australia lại giảm 124.000 người, và tại Anh và Thổ Nhĩ Kỳ cũng lần lượt giảm 27.000 người và 24.000 người.
Khảo sát của Credit Suisse còn ước tính khoảng 55.920 người trưởng thành có khối tài sản trị giá 100 triệu USD, và khoảng 4.830 người có khối tài sản ròng trên 500 triệu USD. Ngân hàng này cũng dự báo tài sản của các triệu phú trên toàn thế giới, vốn đã tăng 2,6% trong năm ngoái, sẽ tăng 27% trong vòng 5 năm tới lên mức 459 nghìn tỷ USD đến năm 2024.
Số triệu phú cũng theo đà tăng trong giai đoạn này lên tới gần 63 triệu người. Khảo sát cho thấy vẫn tồn tại sự bất bình đẳng tài sản toàn cầu với 90% người nghèo nhất thế giới sở hữu 18% tổng tài sản toàn cầu, cao hơn so với mức 11% của gần một thập kỷ trước đó.