Chủ tịch Liên minh Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), ông Dominic Vũ: Không thêm rào cản kinh doanh, bỏ tư duy “zero COVID”
Các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng Dự thảo “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 đang giao Bộ Y tế làm đầu mối tham mưu sẽ gỡ được nhiều nút thắt để cứu doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.
Điều mà các doanh nghiệp lo ngại nhất hiện nay về một số quy định vẫn mang mục tiêu “zero COVID”. Chỉ số đánh giá đưa ra thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều, tràn lan kể cả khi đã tiêm đủ vaccine; cần có hướng dẫn cụ thể để F0 có triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà. Đề xuất bổ sung quy định để doanh nghiệp tự xét nghiệm, tự chăm sóc F0 tại trụ sở doanh nghiệp hoặc các khu thu dung của doanh nghiệp, địa phương chỉ hỗ trợ điều trị các ca F0 nặng để giảm bớt áp lực và gánh nặng về nguồn lực chống dịch. Có như vậy, các bên mới có thể cùng thích ứng an toàn được.
Hướng dẫn mới cần được thực hiện khẩn trương, nhất quán ở tất cả các ngành, địa phương và các cấp chính quyền, không để mỗi nơi áp dụng một kiểu, “ngăn sông, cấm chợ”, “một ngõ có F0, cả làng phong tỏa…như thời gian qua khiến doanh nghiệp lao đao, tài chính kiệt quệ. Đặc biệt, các quy định ban hành không làm phát sinh thêm bất kỳ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính hay quy trình cấp phép, phê duyệt nào đối với người dân, doanh nghiệp.
Trong điều kiện phòng dịch theo mô hình mới, cần giao chỉ tiêu mở cửa doanh nghiệp cho phường, quận để tránh “cứ có ca F0 là đóng cửa”; thành lập Tổ phục hồi kinh doanh nằm ở phường, quận để tháo gỡ nhanh chóng cho doanh nghiệp. Việc quy định, tổ chức xét nghiệm COVID-19 cần được tính toán khoa học, không xét nghiệm đại trà gây tốn kém, lãng phí, cho phép doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm khi có ca nhiễm.
Tài liệu Hướng dẫn thích ứng an toàn cần được quy định như là tài liệu có thể áp dụng ngay vào đời sống và có giá trị pháp lý cao nhất, các địa phương chỉ tuyên truyền, hướng dẫn để doanh nghiệp hiểu chứ không có quyền phê duyệt phương án của doanh nghiệp. Giao doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về phương án của mình.
-TS Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV: Tận dụng cơ hội phục hồi mạnh trong "bình thường mới"
Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý III/2021 giảm sâu là 6,17% chứng tỏ tác động tiêu cực của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 rất ghê gớm, nhất là lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Mặc dù vậy, điểm sáng của nền kinh tế vẫn là lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo trong 9 tháng năm nay tăng 6% so cùng kỳ năm ngoái và lĩnh vực nông - lâm ngư nghiệp tăng 2,74%.
Việt Nam cần sớm xây dựng chiến lược, kịch bản phòng chống dịch trong điều kiện mới và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh “bình thường mới”, cần có các động lực tăng trưởng mới và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô nhằm chủ động tận dụng cơ hội phục hồi mạnh cũng như kiểm soát rủi ro (giá cả tăng, lạm phát tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động…) nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và Nghị quyết 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Để cả năm GDP đạt mức tăng 3% hoặc 3,5%, quý IV/2021 Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng tương ứng khoảng 5,3% và 7%. Rõ ràng chúng ta phải nỗ lực rất nhiều, rất quyết liệt và đặc biệt là mở của nền kinh tế phù hợp, nhất là khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
Để hạn chế sự lây lan COVID-19, các địa phương đặt ra yêu cầu cao cho sản xuất, như "ba tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến"; đồng thời giám sát chặt việc lưu thông hàng hóa. Những biện pháp này giúp kiểm soát mức độ lây lan của đại dịch nhưng lại khiến ngành sản xuất lao đao, nhiều doanh nghiệp, từ tự nguyện cho tới bắt buộc, chọn cách rời khỏi thị trường. Cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đề nghị Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40 nghìn tỷ đồng (0,62% GDP năm 2020), chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn. Cụ thể: Mở rộng đối tượng hỗ trợ người lao động tới tất cả lao động phi chính thức; gói hỗ trợ tiền điện; gói hỗ trợ viễn thông. Với ngành Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi…
-TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC): Giao nhiệm vụ chống dịch cho địa phương cần đi kèm với phát triển kinh tế
Mặc dù Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ đã rất bao trùm trong việc khôi phục lại nền kinh tế trong điều kiện mới nhưng chưa thấy các giải pháp cụ thể trong Nghị quyết và vẫn phải chờ đề án của các bộ ngành trình, trong khi doanh nghiệp hàng ngày, hàng giờ đang trông đợi. Bên cạnh đó tiêu chí còn cao, quy trình, thủ tục còn phức tạp. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chính sách ban hành sớm một ngày, hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp được cứu sống; chậm một ngày, hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp có thể ra đi.
Cùng với việc chuyển sang trạng thái kinh doanh an toàn, sống chung với đại dịch, tôi đề nghị cần tái cấu trúc lại Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, bổ sung thêm các lực lượng kinh tế tham gia vào Ban Chỉ đạo. Tôi đề nghị ở các địa phương cũng thống nhất mô hình như thế, để đảm bảo cho mỗi một quyết định ở cấp cao nhất ở Trung ương hay các địa phương, trong bối cảnh hiện nay cũng cần phải được xem xét thấu đáo ở cả góc độ kinh tế và y tế.
Thủ tướng và Chính phủ khi giao nhiệm vụ cho các địa phương cũng cần phải là nhiệm vụ kép chứ không phải chỉ có mỗi mục tiêu chống dịch. Các địa phương phải vừa bảo đảm phòng chống được dịch bệnh, vừa cố gắng duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, trong điều kiện có thể, để lo sinh kế cho dân.
“Mở cửa” là mệnh lệnh của cuộc sống, đây chính là “thời gian vàng” để giải cứu doanh nghiệp. Sức chống chịu của các doanh nghiệp và nền kinh tế đang tiến tới ngưỡng tới hạn và mở cửa là “cỗ máy trợ thở” lớn nhất cho các doanh nghiệp. Mở cửa chậm, chúng ta sẽ phải trả giá đắt hơn rất nhiều và khi các doanh nghiệp của chúng ta đã quá kiệt quệ, phải ra đi sẽ khó bề trở lại và các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chuyển hướng đầu tư.
Tuy nhiên, mở cửa nền kinh tế không có nghĩa là chủ quan, mất an toàn. Việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, soạn thảo “Hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” chính là để bảo đảm an toàn, vì có an toàn mới mở cửa nền kinh tế và các hoạt động dân sinh được. Đây cũng là xu hướng chung của khu vực và trên thế giới. Tôi đề nghị bản hướng dẫn này nên được công bố ngay trong tuần này.
Hướng dẫn này cũng phải quy định rõ nguyên tắc nền tảng mà Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh, đó là trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không được phép đẻ thêm các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh mới, không cho phép có bất cứ các quy trình phê duyệt, cấp phép nào. Trách nhiệm của các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp là phải gương mẫu tuân thủ và phổ biến, quán triệt hướng dẫn này đến người dân và doanh nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực tuân thủ cho họ, chứ không phải đặt ra quy trình phê duyệt, cấp phép, xin - cho đối với các phương án tuân thủ của người dân và doanh nghiệp.
Những quy định lạc hậu vì dựa trên tư duy “zero COVID”, cần phải được chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật và tập hợp lại trong một văn bản mới thống nhất, không để các quy định chồng chéo, “trăm hoa đua nở”, rất khó theo dõi, rất khó tuân thủ, khó áp dụng như hiện nay.