Amazon hiện được coi là nền tảng thương mại điện tử hàng đầu thế giới với hơn 300 triệu khách hàng trên toàn cầu. Mọi người thích mua sắm trên trang web này vì lý do giao diện đơn giản, thanh toán dễ dàng và thường xuyên có giảm giá, ưu đãi lớn.
Từ đầu năm 2019, việc Amazon và Bộ Công Thương thông báo kế hoạch lựa chọn các DN Việt Nam để hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến thông qua trang thương mại điện tử này đã thu hút sự quan tâm lớn của DN trong nước.
Thực tế, đã có không ít nhà bán lẻ, DN Việt Nam bán hàng trên Amazon và thu được hiệu quả nhất định. Nhưng khi có sự hỗ trợ chính thức của hãng Amazon, chắc chắn việc bán hàng sẽ thuận lợi hơn.
Theo ông Gijae Seong, với việc bán hàng trực tuyến, DN sẽ không cần có chi nhánh khắp mọi nơi trên thế mới mà dùng nền tảng trực tuyến để tiếp cận thông tin. Nhà sản xuất kiểm soát được giá do tiếp cận trực tiếp với khách hàng, nhận phản hồi của khách hàng, không cần nhìn số liệu báo cáo hẳng năm, điều này giúp tăng lợi nhuận và xây dựng thương hiệu tốt hơn.
Với hơn 300 triệu khách hàng trên toàn cầu, Amazon đang dẫn đầu trong phân khúc thương mại điện tử ở hầu hết các quốc gia mà họ hiện diện, kể cả khu vực Trung Đông, Ấn Độ chứ không chỉ Mỹ hay Canada.
"DN bán hàng trên Amazon có nhiều lợi thế, nhanh chóng tiếp cận với các thị trường mà chúng tôi có mặt. Năm ngoái có hơn 200.000 DN vừa và nhỏ có doanh thu trên 1 triệu USD trên Amazon. Nhiều mặt hàng của Việt Nam được ưa chuộng, bán được hơn 100.000 sản phẩm trên Amazon như chổi đót, cà phê…", ông Gijae Seong cho hay.
Amazon có nhiều công cụ hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Khi sản phẩm được đưa qua kênh của Amazon thì tất cả các công đoạn còn lại sẽ do Amazon đảm nhận: từ đóng gói, ship đơn hàng, tới trả lời câu hỏi của khách hàng... DN không cần có nhân viên đại lý tại các nước nữa.
"Không những thế, hàng hóa bán trên Amazon có thể tiếp cận các “khách hàng chính” – đó là những người đã có thẻ thành viên, trung thành với sản phẩm của Amazon, được mua bất kì sản phẩm nào có logo của Amazon và nhận ship miễn phí trong vòng 2 ngày. Amazon có khoảng hàng chục nghìn khách hàng như vậy", ông Gijae Seong nói.
Cũng tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu 2019, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng cần thay đổi căn bản xúc tiến thương mại theo hướng thiết thực và hiệu quả. Đặc biệt, để tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin, các DN cần nắm bắt cơ hội từ xuất khẩu trực tuyến, mà Amazon là một trong những kênh rất hiệu quả.
Trước đó, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Amazon Global Selling đã công bố danh sách 100 DN được lựa chọn tham gia chương trình xuất khẩu thông qua thương mại điện tử. Các DN này sẽ được hỗ trợ tư vấn để đưa hàng lên mạng lưới Amazon tại Mỹ vào tháng 6 năm nay. Tới tháng 10, những DN bán hàng thành công nhất sẽ được lựa chọn lần nữa để tham gia đoàn xúc tiến thương mại tới Mỹ.
Đại diện Amazon nhấn mạnh, DN chỉ cần gửi hàng tới kho của Amazon; còn phần lưu trữ, chuyển tới khách, chăm sóc khách và hoàn trả hàng đều do Amazon lo. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ thương hiệu cũng được đặc biệt quan tâm.